Trump bóp chết 'Nord Stream-2' giá 10tỷ USD chỉ bằng 1tỷ USD

Người Mỹ hứa sẽ chi tiền cho các dự án năng lượng thay thế tại Châu Âu...

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn chuyên gia của phóng viên báo “Svobodnaia Pressa” Maria Bezchastnaia về các kế hoạch mới nhất của Mỹ nhằm bóp chết các dự án năng lượng Nga tại Châu Âu. Bài đăng trên báo này ngày 17/2/2020.

Trên ảnh: các đường ống cho đường ống dẫn khí “Nord Stream- 2” trên biển Baltic sẽ được đưa lên tàu tại cảng Mukran, Đức. (Ảnh: Stefan Sauer/dpa-Zentralbild/dpa/TASS)

I/ Phần giới thiệu của phóng viên Maria Bezchastnaia

Chính quyền Mỹ đã quyết định dành khoản ngân sách một tỷ đô la để tài trợ cho những dự án của Liên minh Châu Âu giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của khối này vào năng lượng của Nga.

Quyết định trên đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo chính thức công bố vào Thứ Bảy, ngày 15/2 vừa qua tại Hội nghị An ninh Munich (Đức). Ông Pompeo còn nói rõ thêm là đấy chính là các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Ba vùng biển.

Sáng kiến Ba vùng biển nói trên quy tụ 12 quốc gia Trung và Đông Âu. Cụ thể, đó là Áo, Cộng hòa Séc, Slovakia, Croatia, Hungary, Slovenia, Romania, Bulgaria, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia. Các nước này đã ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ dự án này năm 2016.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus có giải thích trên Twitter rằng các khoản tiền này sẽ giúp đảm bảo “chủ quyền, sự thịnh vượng và độc lập về năng lượng cho những người bạn Châu Âu của chúng ta (Mỹ)”.

Cùng ngày, người đứng đầu Bộ Năng lượng Mỹ Dan Bruyette cũng phát biểi nhấn mạnh rằng Nga sẽ không thể có cánh nào “né” được các lệnh trừng phạt của Mỹ và không thể tự mình hoàn thành dự án lắp đường ống dẫn khí đốt (“Nord Stream”).

Ông Bộ trưởng Bruyette này thẳng thừng: “Họ (người Nga) phải đối mặt với nguy cơ dự án chậm tiến độ rất lâu, bởi vì Nga không có các công nghệ tương ứng. Nếu họ tự mình phát triển được công nghệ cần thiết, thì đến lúc đó chúng ta (Mỹ) sẽ xem xem chúng ta nên làm gì tiếp theo”.

Đáp lại bình luận này, một đại diện của “Gazprom” chỉ nói rất ngắn gọn: "Đừng bao giờ nói là không bao giờ." Còn trước đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexandr Novak có phát biểu là “Nord Stream-2” có thể được được tàu “Akademik Chersky” lắp lặt hoàn chỉnh, tuy nhiên, nó cần thêm thời gian để chuẩn bị làm việc trên biển Baltic.

Cho đến nay, thời hạn mà đường ống “Nord Stream-2” chính thức hoạt động, nếu đúng theo kế hoạch ban đầu thì lẽ ra vào thời điểm nay đường ống trên đã phải hoàn thành lắp đặt, đã bị hoãn đến cuối năm nay (2020) hoặc sang đầu năm sau 2021.

Nhưng nếu như tính rằng vào thời gian đầu sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng hạt, Chính quyền Nga từng cam kết rằng mốc thời gian sẽ chỉ bị lùi lại không quá vài tháng, thì những “cam kết mới” (cho Nord Stream-2” hoạt động vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021-ND) có thể lại vẫn không thực hiện được- sẽ còn bị kéo dài hơn nhiều.

Với việc người Mỹ đã quyết định dành một tỷ đô la để thực hiện các dự án năng lượng thay thế ở Châu Âu, một câu hỏi được đặt ra:

liệu có khả năng là đến thời điểm “Nord Stream- 2” có thể chính thức vận hành, thì đến lúc đó nó đã không còn cần thiết cho Châu Âu nữa, và đường ống sẽ vẫn để trống một nửa, đặc biệt là trong bối cảnh vẫn duy trì quá cảnh (khí đốt) qua Ucraine?

II. Phần phỏng vấn chuyên gia

Chủ tịch Liên minh các doanh nhân và các chủ cho thuê Nga Andrey Bunich cho rằng đó là (như vừa nói ở trên) một kịch bản hoàn toàn có khả năng xảy ra, và không phải chỉ bởi vì riêng các dự án của người Mỹ, mà còn bởi vì nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Liên minh Châu Âu đang ngày càng giảm, trong khi nguồn cung- chắc chắn sẽ ngày càng nhiều.

— Mục tiêu Dự án nói trên của Mỹ là nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng của các quốc gia Đông và Trung Âu vào Nga. Những kế hoạch này rất khả thi, bởi vì không cần quá nhiều tiền để thực hiện chúng.

Nhiều quốc gia tham gia dự án là những quốc gia không lớn, nhu cầu khí đốt ít, chính vì vậy một tỷ đô la là một số tiền quá đủ.

Các quốc gia như Ba Lan cũng đã tự đặt mục tiêu thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, sử dụng khí đốt hóa lỏng (LPG) và năng lượng từ các nguồn khác.

Những quốc gia còn lại là thành viên của Sáng kiến Ba vùng biển cũng không phải là nước phát triển nhất ở EU. Thậm chí có thể nói đó là các thành viên yếu nhất của EU, do đó mà việc gây tác động lên họ sẽ còn dễ dàng hơn nhiều.

Đó chính là lý do tại sao người Mỹ lại chọn nhóm các quốc gia này- từ trước đây nhóm này cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào người Mỹ.

Ở đây (với nhóm các nước này)- Mỹ có không gian để tác động lên họ, và có khả năng cung cấp cho họ các nguồn năng lượng thay thế, và quan trọng nhất là các quốc gia này mong muốn thoát khỏi nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Trong nhóm này, quốc gia có sức nặng nhất là Áo, - Áo có thể trở thành một vấn đề đối với người Mỹ, vì đây là một quốc gia đủ khả năng tự cung tự cấp, hơn nữa, đã thiết lập quan hệ kinh tế ổn định với Nga.

"SP": — Những dự án giúp chối bỏ khí đốt Nga là gì?

— Trước hết, đấy là những dự án tạo nguồn cung LPG. Người Mỹ đã cố gắng phát triển các dự án đá phiến ở Ba Lan và Ucraine, nhưng đều không thành công. Do đó, định hướng bây giờ là chuyển sang ưu tiên lĩnh vực khí hóa lỏng.

Hiện ở Châu Âu đã có đủ các đầu mối tiếp nhận khí hóa lỏng. Đơn giản là có những quốc gia sẵn sàng tham gia vào dự án này, như Ba Lan chẳng hạn, là vì lý do chính trị, nhưng cũng có những quốc gia quan tâm thuần túy đến các lợi ích thương mại.

Về mặt lý thuyết, tại khu vực này (Châu Âu), ngay vào thời điểm hiện tại đã có thể dùng LPG để thay thế nguồn cung (khí đốt) từ “Gazprom”. Chỉ có điều giá cả sẽ cao hơn (khí đốt Nga).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển lĩnh vực này ở nước Mỹ và trên thế giới, cùng với việc những vấn đề về xây dựng cơ sở hạ tầng và hậu cần sẽ được giải quyết, khí hóa lỏng sẽ còn trở nên nhiều hơn.

Ngoài ra, Mỹ sẽ tích cực sử dụng biện pháp bán phá giá – tức là sẽ có một cuộc chiến tranh về giá. Người Mỹ hiện đang bán phá giá, nhưng khi họ có đủ tất cả khối lượng cần thiết, họ sẽ còn bán phá giá hơn nữa và “Gazprom” sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.

Cuộc cạnh tranh về giá sẽ rất khốc liệt. Để những nước này không mua khi đốt từ Nga nữa, họ (người Mỹ) có thể giảm giá rất mạnh.

Ở nhiều nước, vấn đề năng lượng đã bị “chính trị hóa”. Cũng trong thời gian đó, tại nước Mỹ, lĩnh vực LPG đang phát triển bùng nổ. Hiện nay, đôi khi người Mỹ đơn giản là không biết sẽ đưa khí đốt đi đâu (cung cấp cho ai) và họ buộc phải tiêu thụ khí đốt trong nước gần như miễn phí.

Nếu như họ giải quyết xong các vấn đề cơ sở hạ tầng, trong mọi trường hợp họ sẽ đều có lợi nếu bằng một cách nào đó cung cấp khí đốt cho Châu Âu nhằm thực hiện các mục đích chính trị. Đặc biệt, nếu việc cung cấp khí đốt cho Châu Âu sẽ được hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước (Mỹ).

Washington có thể gây áp lực lên các nước NATO, yêu cầu những nước này phải mua năng lượng của Mỹ. D.Trump từ lâu đã chỉ trích các nước châu Âu vì những nước này đã không chịu đóng toàn bộ số tiền phải đóng góp cho Liên minh (NATO).

Ông ta có thể yêu cầu họ mua các sản phẩm của ngành năng lượng Mỹ để bù cho những khoản thiếu hụt đó.

Ngoài ra, chiến lược năng lượng của Châu Âu, ngay cả khi không có (sức ép từ) Mỹ, cũng đã xác định phải đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Ngày nay, các nước này chú ý nhiều hơn đến LPG, nhưng dù không như vậy, họ vẫn cố gắng mua năng lượng từ càng nhiều nguồn khác nhau càng tốt.

"SP: — Thành thử, "Nord Sreeam-2 " có thể sẽ không còn cần thiết?

— Có rất nhiều kênh cung cấp khí đốt cho Châu Âu, tuy vậy, Liên minh Châu Âu đang thực hiện đường lối tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm lượng tiêu thụ. Họ đã thành lập được một hệ thống năng lượng thống nhất và có thể điều chuyển năng lượng từ vùng này sang vùng khác.

Tổng mức tiêu thụ chắc chắn sẽ không tăng, trừ trường hợp một số nước từ bỏ không sử dụng năng lượng hạt nhân. Nhưng khả năng này (không sử dụng năng lượng hạt nhân) là không chắc chắn, thêm nữa, đây (bỏ năng lượng hạt nhân) không phải là một tiến trình đơn giản và thực hiện được trong một thời gian ngắn.

“Gazprom” Nga, một mặt, có rất nhiều tuyến đường ống. Nhưng mặt khác, tất cả các tuyến này đều không đáng tin cậy.Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn, đã bắt đầu cư xử hoàn toàn khác so với khi mới bắt đầu xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Về mặt lý thuyết, Ba Lan có thể chặn tuyến quá cảnh qua lãnh thổ nước mình.Về nguyên tắc, Ucraine cũng vậy. Để phòng trường hợp như vậy, nên (Nga) mới xây dựng “Nord Stream-2”. Nhưng bây giờ khí đốt có rất nhiều nên một số tuyến có thể không có nhu cầu sử dụng nữa.

Ngoài ra, sau khi đưa “Nord Stream-2” vào hoạt động, các quy trình thay thế có thể được triển khai.

"SP ": — Ý ông là thế nào?

— Hãy thử hình dung là nước Đức tăng mua khí đốt từ Nga. Nhưng sau đó, Đức có thể cung cấp tất cả lượng khí đốt đó cho Đông Âu và Áo.

Khi đó sẽ diễn ra tiến trình tái cấu trúc thị trường. Người Đức có thể tự xây dựng một đầu mối tiếp nhận và cung cấp khí đốt cho chính mình, còn chúng ta (Nga) sẽ chỉ đơn giản là cung cấp năng lượng cho Trung tâm đó của người Đức.

Khi đó sẽ xảy ra một tình huống rất tiếu lâm, khi tăng nguồn cung cho một chỗ, chúng ta mất hoàn toàn khả năng cung cấp cho một chỗ khác vì quá trình tập trung hóa các nguồn cung. Họ có thể mua một phần khối lượng từ phía chúng ta, phần còn lại sẽ được thay thế bằng các nguồn cung cấp của Mỹ.

Tôi nghĩ rằng đây là kịch bản phát triển các tình huống nhiều khả năng xảy ra nhất, còn tất cả các tuyên bố khác của “Gazprom” – đấy là một sự lạc quan vớ vẩn, và sự lạc quan kiểu này có thể dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng.

Vì cái kiểu lạc quan tếu như vậy, công ty sẽ phải vay thêm các khoản tín dụng, ngập sâu trong đống nợ nần và làm chảy máu nền kinh tế.

"SP ": — Trong tình cảnh như vậy, “Gazprom” cần phải làm gì?

— Hiện giờ “Gazprom” đang ở trong một hoàn cảnh không hề đơn giản chút nào. Có nhiều tuyến đường ống và khả năng cung cấp khí đốt cho Châu Âu hơn là những gì Châu Âu muốn nhận. Cần phải đặc biệt lưu ý đến thực tế này và tái cấu trúc các chính sách thương mại và các dự án đầu tư để thích ứng với các điều kiện mới.

Nói cho đúng ra, đã phải thích nghi ngay từ bây giờ. Người Mỹ không hề che giấu quan điểm cho rằng ngay khi họ đưa ra các đề nghị cung cấp năng lượng nào đó cho Châu Âu, “Gazprom” sẽ phải giảm giá. Đừng hy vọng vào một sự ưu ái nào cả. Trong bất kỳ trường hợp nào, gậy cũng sẽ chọc vào bánh xe.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta (Nga) cần phải dừng hoàn toàn hướng (cung cấp năng lượng) cho Châu Âu. Nhưng cần phải xác định đây là một hướng nhiều rủi ro hơn và không xây dựng các kế hoạch với tham vọng là sẽ có một cơn mưa vàng đến từ Châu Âu.

Các kế hoạch của “Gazprom” thường toàn màu hồng, lạc quan hơn thực tế. Do đó, họ phê duyệt một số dự án nào đó, và sau đó là không có lợi nhuận. Ngay bây giờ công ty này cũng đã bắt đầu hoạt động thua lỗ.

Để hoàn thành chương trình đầu tư của mình, “Gazprom” đang rất tích cực vay tiền. Cứ với nhịp độ như vậy, nó có thể không còn là một đơn vị đóng góp cho ngân sách Nga, bởi vì những khoản lợi nhuận hiện tại sẽ không đủ bù cho các khoản chi phí đầu tư.

Chúng ta cần phải xem xét lại chính sách chung của “Gazprom” và những chính sách giá có liên quan ngay bên trong nước Nga.

“Gazprom” hạ giá bán cho khách hàng nước ngoài, nhưng lại chăm chăm tăng giá bán trong nước, - điều này rất mâu thuẫn với lợi ích quốc gia, vì nó tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Nga.

Bây giờ mọi thứ đều phải xem xét điều chỉnh chiến lược dài hạn. Nhưng “Gazprom” lại không muốn làm điều này. Nếu “Gazprom” thừa nhận thực tế hiện tại, thì thành thử, họ phải thừa nhận rằng họ không phải là những người làm công tác dự báo có tầm nhìn.

Tôi có cảm giác là “Gazprom” vẫn chưa rút ra được các kết luận tầm chiến lược nghiêm túc nào cả, trong khi nhà nước vẫn thờ ơ trước một thực tế hiển nhiên là chính sách của “Gazprom” đang trở nên lỗi thời và không tính đến những điều kiện thực tiễn mới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trump-bop-chet-nord-stream-2-gia-10ty-usd-chi-bang-1ty-usd-3397073/