Trump muốn áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa như thế nào ở Triều Tiên?

Nhà Trắng thông báo 'mô hình Trump' thay cho 'mô hình Libya' vốn làm Triều Tiên tức giận trước đó, nhưng giới phân tích cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để 'chữa cháy'.

Với việc Triều Tiên bác bỏ áp dụng mô hình Libya để phi hạt nhân hóa, phía Washington giờ đây tiết lộ một mô hình thay thế mang tên Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa làn sóng quan ngại Bình Nhưỡng sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore vào ngày 12/6 tới.

“Mô hình Trump” được Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee đề cập hôm 16/5 khi phản hồi các bình luận của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan, người bày tỏ “mối ác cảm” đối với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vì so sánh Triều Tiên với Libya.

"Mô hình Libya" đã khiến chính quyền Triều Tiên tức giận vì cho rằng đó là một ám chỉ về việc tương lai của Triều Tiên, khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã nhận về kết cục bi thảm dù chấp nhận từ bỏ hạt nhân. Ảnh: AFP.

“Phiên bản thu hẹp” của mô hình Libya

Câu chuyện mô hình Libya khiến Triều Tiên “bực mình” gần đây xuất phát từ một cuộc phỏng vấn của Đài Fox News hồi cuối tháng 4. Thời điểm đó, ông Bolton nói rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên nên diễn ra tương tự các cuộc đàm phán với Libya.

“Chúng tôi đã nghĩ rất nhiều về mô hình Libya từ năm 2003, 2004”, ông Bolton nói. Vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng không nên cho Triều Tiên bất kỳ lợi ích nào chẳng hạn dỡ bỏ cấm vận, cho đến khi nước này từ bỏ hoàn toàn hạt nhân.

Năm 2003, Libya đã chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy việc chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của quốc gia Bắc Phi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hại.

Theo giới phân tích, căn cứ vào bản chất phức tạp của quá trình phi hạt nhân hóa cùng sự khác nhau giữa Mỹ và các quốc gia tìm kiếm sở hữu vũ khí hạt nhân khác, việc đề cập tới “mô hình Trump” cho thấy Washington đang muốn hoàn thành mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên càng mau lẹ càng tốt.

Dựa trên các vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân của Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 60 đầu đạn hạt nhân và đạt được các bước tiến lớn trong công nghệ tên lửa và hạt nhân. Theo đó, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên vào ngày 14/5/2018. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, đối với trường hợp Libya, quốc gia Bắc Phi có khởi động chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn chưa phát triển được một quả bom hạt nhân nào vào thời điểm nước này đồng ý “trảm” kho hạt nhân của họ.

Các vật liệu hạt nhân đã được chuyển ra khỏi Libya và nhiều trong số này được cất giữ tại một phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ ở Oak Ridge, bang Tennessee.

“Mọi người ở Washington hiểu rằng mô hình Libya không thể áp dụng cho Triều Tiên. Đơn giản là vì Triều Tiên nằm trong một hoàn cảnh khác”, ông Ko Myung Hyun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), bình luận.

Tuy nhiên, một bài học quan trọng từ mô hình Libya mà chính quyền ông Trump muốn áp dụng cho mô hình mới để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đó là việc kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng.

Theo sau cam kết của Libya hồi năm 2003, các thanh sát viên đến từ nhiều quốc gia đã bắt tay vào làm việc để hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và hóa học của nước này. Quá trình đó mất chỉ khoảng 2 năm, trước khi các vật liệu hạt nhân được chuyển tới Mỹ.

“Chính quyền ông Trump muốn thực hiện một lịch trình tức tốc để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, đạt được một dấu mốc quan trọng trong mỗi giai đoạn và trao phần thưởng tương ứng cho Triều Tiên”, ông Ko đánh giá.

Các chuyên gia cho rằng "mô hình Trump" được đưa ra bước đầu là để đảm bảo thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore diễn ra suôn sẻ. Ảnh: Reuters.

Ý tưởng về “mô hình Trump” cho thấy Washington có thể sẽ thay đổi lập trường cứng rắn hiện nay, mà theo đó Triều Tiên chỉ được “phần thưởng” một khi nước này từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.

“Có thể sẽ có một số nhượng bộ nhất định trong suốt quá trình đàm phán của Mỹ với Triều Tiên, đặc biệt liên quan tới phần thưởng dành cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên và các cách thức để đạt được mục tiêu”, ông Kim Yeol Su đến từ Viên nghiên cứu quân vụ Triều Tiên phỏng đoán. Trong số các phần thưởng này có thể là cam kết “đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên.

Đề xuất “mô hình Trump” cũng cho thấy chính quyền ông Trump có thể linh hoạt hơn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, khi mà Triều Tiên kêu gọi phải có các bước thực hiện “đồng bộ” để đáp ứng những đòi hỏi về an ninh của nước này.

“Nó (mô hình Trump) sẽ giống như một phiên bản thu hẹp của mô hình Libya”, ông Shin Beom Chul đến từ Viện nghiên cứu chính sách Asan so sánh. Theo ông, phiên bản thu hẹp này sẽ gồm việc đưa ra các nhượng bộ dựa trên tình hình đàm phán.

Chỉ là mô hình tạm bợ để trấn an?

Giới phân tích đánh giá ý tưởng về một “mô hình Trump” như vậy chỉ là nỗ lực bước đầu của Mỹ nhằm làm bớt tính nghiêm trọng của các bình luận được ông Bolton đưa ra, chứ chưa hẳn là một chính sách cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, động thái này cho thấy Mỹ có thể sẽ thay đổi chiến lược trong các cuộc đàm phán sắp tới với Triều Tiên.

“Mô hình Trump” được Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee đề cập hôm 16/5, sau khi chính quyền Triều Tiên lên án "mô hình Libya". Ảnh: AFP.

“Ý tưởng về mô hình Trump như thể một bộ sơ cứu y tế cho thượng đỉnh Mỹ - Triều”, Korea Herald dẫn lời ông Kim Yeol Su, người đứng đầu bộ phận chiến lược an ninh tại Viện nghiên cứu quân vụ Triều Tiên, nhận định.

Theo vị chuyên gia, “chết đứng” trước các tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên, chính quyền Trump dường như đang làm điều gì đó để cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ.

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều mô hình phi hạt nhân hóa gần đây như mô hình Libya, mô hình Ukraine hay mô hình Iraq. Tất cả mô hình này đều được đặt tên theo mục tiêu phi hạt nhân hóa. Cái tên chỉ phản ánh kết quả, chứ không phản ảnh quá trình”, ông Kim lý giải về việc đặt tên “mô hình Trump”.

Khi đề cập tới “mô hình Trump”, bà Sanders đã nói rằng không có “mô hình giống nhau y khuôn” nào có thể được áp dụng cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Triều Tiên.

Biên An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trump-muon-ap-dung-mo-hinh-phi-hat-nhan-hoa-nhu-the-nao-o-trieu-tien-post843744.html