Trump xé bỏ thỏa thuận Iran, nguy cơ xung đột tăng mạnh ở Trung Đông

Quyết định của Tổng thống Mỹ Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đẩy Trung Đông vào những chuỗi ngày bất định và nguy cơ xung đột tăng cao.

"Tôi thấy rõ rằng chúng ta không thể ngăn chặn bom hạt nhân của Iran bằng thứ cấu trúc mục nát và thối rữa của thỏa thuận hiện tại", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong tuyên bố tái trừng phạt Iran, đồng nghĩa với việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015 dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Giờ thì Trung Đông đứng trước một tương lai không có thỏa thuận nào để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, bất kể đó là thỏa thuận "mục rữa" hay không.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự lo ngại rằng Tehran sẽ khôi phục chương trình hạt nhân, đẩy mạnh can thiệp ở các cuộc xung đột trong khu vực như Iraq, Syria, Yemen và Lebanon.

Tổng thống Trump thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hôm 8/5 ở Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hôm 8/5 ở Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Một Trung Đông "nhiều hạt nhân"

Sau tuyên bố của Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngay lập tức tuyên bố đã ra lệnh "các cơ quan nguyên tử chuẩn bị sẵn sàng những biện pháp để khởi động, nếu cần thiết, chương trình làm giàu uranium mà không có bất cứ giới hạn nào".

Lời tuyên bố của ông Rouhani có thể là phát súng khai màn một cuộc đua mới tại Trung Đông.

Trong bài viết đăng trên Bulletin of the Atomic Scientists, Ezra Friedman, giám đốc chiến lược tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Israel, nói quyết định của Trump sẽ đẩy Trung Đông trở lại những ngày trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo viễn cảnh này, Iran có thể vẫn là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) nhưng có đủ uranium được làm giàu để được xem là nước bước đầu sở hữu hạt nhân trong khi các thanh sát viên quốc tế không còn nhiều cơ hội tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Tehran. Đáp lại, các nước láng giềng sẽ nhìn vào Tehran và có thể cân nhắc phát triển chương trình hạt nhân của riêng họ để đối phó. Trung Đông sẽ tiến tới bờ vực của khu vực có vài quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc bước đầu sở hữu năng lực hạt nhân.

Saudi Arabia, một trong những đối thủ lớn nhất của Iran trong khu vực, từng tuyên bố sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân nếu Iran tiếp tục phát triển hạt nhân. Saudi Arabia vẫn quyết liệt theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân dân sự và dự định có 16 lò phản ứng trong 25 năm. Họ thuyết phục Mỹ để có quyền làm giàu uranium tại nước mình, bao gồm cả quyền sản xuất năng lượng hạt nhân, một quy trình cần thiết trong trường hợp Saudi Arabia muốn quân sự hóa chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, Israel, đối thủ khác của Iran, được cho là quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân duy nhất ở Trung Đông đến lúc này, dù họ chưa từng xác nhận hay phủ định việc này.

Trong khi các đối tác còn lại của thỏa thuận như châu Âu, Nga, Trung Quốc và Iran kêu gọi Mỹ ở lại thỏa thuận hạt nhân, hai đồng minh là Israel và Saudi Arabia đã vận động mạnh mẽ cho quyết định này.

Thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại nhà máy hạt nhân của Iran hồi năm 2014. Đến lúc này, IAEA vẫn kết luận Iran đã tuân thủ đúng thỏa thuận năm 2015. Ảnh: AFP.

"Chiếc hộp Pandora" lại mở ở Trung Đông

"(Việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân) nghĩa là mở Chiếc hộp Pandora ra", Tổng thống Pháp Emmaneul Macron nói với tạp chí Der Spiegel (Đức) hồi cuối tuần trước. "Nó nghĩa là chiến tranh".

The Conversation nhận định trong những năm gần đây, các thế lực tại Trung Đông gần như đã phân hóa thành 2 nhóm. Một nhóm là những lực lượng ủng hộ Iran như chính quyền Syria, Iraq, lực lượng vũ trang Hezbollah và nhiều nhóm phi nhà nước khác. Nhóm chống Iran gồm Saudi Arabia, Israel, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Saudi Arabia và Israel, hai đối thủ truyền kiếp của Iran, đã và đang đối đầu Tehran trên nhiều mặt trận tại Trung Đông dù không trực tiếp xung đột. Israel chống lại lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Các cuộc không kích của Israel xuống Syria cũng làm thiệt mạng công dân Iran. Trong khi đó, Saudi Arabia cáo buộc Iran gây bất ổn tại Iran và tài trợ cho lực lượng nổi dậy Houthi ở nước này.

Trong bối cảnh quan hệ thù địch lâu năm giữa Iran với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Israel và Saudi Arabia, thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân mà còn giữ cho căng thẳng khu vực ở mức kiểm soát được. Giờ đây khi thỏa thuận có nguy cơ sụp đổ, các nước sẽ tìm mọi cách để củng cố vị trí của mình trong khu vực. Các cuộc xung đột ở Trung Đông, từ Syria, Yemen đến Lebanon, sẽ khốc liệt và khó giải quyết hơn.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iran, nói rằng Israel là nước mong muốn nhiều nhất việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Tuyên bố của Tổng thống Trump cho thấy dường như Isarel sẽ đạt được mục tiêu của mình, "nhưng thực tế sẽ không đơn giản một chiều như vậy".

"Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chỉ làm tình hình khu vực thêm căng thẳng. Iran có thể sẽ không rút khỏi thỏa thuận nhưng chắc chắn sẽ tăng cường các hoạt động chứng tỏ vị trí của mình ở khu vực như giúp đỡ Syria và các lực lượng thù nghịch với Israel. Israel chắc chắn sẽ phải có biện pháp 'phòng thủ từ xa' tấn công các lực lượng này ngoài biên giới Israel".

"Có thể dự đoán cuộc chiến qua tay người khác giữa Iran và Israel sẽ lại càng căng thẳng hơn", nguyên đại sứ nhận xét.

Israel hiện là người thắng lợi lớn nhất trong quyết định của Tổng thống Trump nhưng những ngày sắp tới có thể cũng sẽ không dễ dàng đối với Israel. Ảnh: AFP.

Cơ hội của Nga

"Điều quan trọng nhất mà Putin đã nói là, 'Tôi sẽ không phản bội các bạn'", Ali Vaez, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Iran của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói về cuộc gặp hồi cuối năm 2017 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei.

Cuộc gặp đó diễn ra 3 tuần sau khi Tổng thống Trump thông báo rằng ông sẽ không công nhận việc Iran đã tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân, bất chấp các báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng Tehran đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ mà thỏa thuận quy định. Khi Tổng thống Putin nói "tôi sẽ không phản bội các bạn", nó có nghĩa là "tôi sẽ không như người Mỹ".

New Yorker nhận định chính Tổng thống Trump sẽ biến Nga và Iran, vốn chỉ là đối tác chiến thuật về quân sự, với mối quan hệ ngoại giao được vun đắp nghèo nàn và thực dụng về mặt kinh tế, trở thành 2 đối tác chiến lược. Mục tiêu của Moscow là trở lại vị trí siêu cường, trong khi Tehran cũng muốn có chỗ đứng như "người chơi" lớn trong khu vực. Họ chia sẻ với nhau trở ngại chung phải đối phó. Đó là căng thẳng với Mỹ và mong muốn tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.

"Hai năm trước, Mỹ là bên định hình cho các vấn đề khu vực, ngay cả với Iran", New Yorker dẫn lời Kayhan Barzegar, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Trung Đông tại Tehran. "Giờ thì mọi chuyện đã kết thúc. Giờ Nga mới là bên thu hút các nước, gắn mình với động lực của Nga. Mỹ mang lại sự hoang mang. Nga lấp đầy khoảng trống quyền lực".

Tổng thống Putin trong cuộc gặp với lãnh đạo tối cao Iran hồi tháng 11/2017. Ảnh: AFP.

Ảnh hưởng của người Nga tại Iran đã tăng lên từ trước khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận, cùng lúc với những niềm hy vọng của người Iran vào Mỹ và châu Âu phai dần. Ngay sau khi các lệnh trừng phạt được tháo dỡ bớt, Iran đã đặt hàng Airbus và Boeing hàng loạt máy bay. Nhưng vì sự không chắc chắn mà 2 công ty này phải đối mặt khi làm ăn với Iran, trong lúc các ngân hàng cũng lo sợ việc giao dịch với Tehran có thể vi phạm các lệnh trừng phạt đã có và trong tương lai, việc chuyển giao máy bay đã bị đình trệ. Thay vào đó, Iran chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ Nga.

Khi Iran và các nước đạt được thỏa thuận lịch sử vào năm 2015, bà Farideh Farhi, học giả tại Đại học Hawaii ở Manoa và là một người quan sát Iran lâu năm, nói rằng thỏa thuận Iran, dù gặp nhiều chỉ trích, đã củng cố vị trí của Tehran trên trường quốc tế và góp phần mang lại ổn định cho khu vực.

Bà dẫn lời ngoại trưởng Mohamad Javad Zarif từng nói với người Iran rằng "Hội chứng sợ Iran" đã hằn sâu trong đầu óc nhiều người ở thế giới tư bản, đất nước này bị khắc họa như một quốc gia hung hăng và bất trị, một mối đe dọa đối với an ninh khu vực và thế giới. Hai năm đàm phán với các nước nhóm P5+1 và việc đạt được thỏa thuận hạt nhân đã xóa bớt "Hội chứng sợ Iran" và nhiều nước học được rằng họ sẽ phải giải quyết các khác biệt với Tehran thông qua các biện pháp ngoại giao hơn là ép buộc.

Giờ hội chứng đó có thể sẽ quay trở lại. Và trong khi người ta chưa kịp vui mừng với cơ hội phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mối đe dọa về một cuộc đua hạt nhân đã trở lại ở Trung Đông.

Syria chia năm xẻ bảy vì toan tính của các cường quốc Bước sang năm thứ 7 nội chiến, Syria bị chia thành nhiều khu vực dưới sự kiểm soát của nhiều lực lượng quân sự, tất cả đều được hậu thuẫn và tài trợ bởi các cường quốc bên ngoài.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trump-xe-bo-thoa-thuan-iran-nguy-co-xung-dot-tang-manh-o-trung-dong-post840800.html