Trưng bày các sản phẩm của dòng gốm Be chạch

Chiều ngày 24/4 tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm( số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn tổ chức khai mạc triển lãm gốm thủ công truyền thống với chủ đề 'Hóa – Hiện', nhằm tôn vinh vẻ đẹp trong lao động và sáng tạo của các nghệ nhân và từng bước tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Bát Tràng, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn không chỉ tiếp nối dòng chảy truyền thống của quê hương mà còn là người tiên phong trong dòng gốm Be chạch. Hiểu một cách dân dã, "be" là đắp đất thành bờ, chạch ở đây là cá chạch. Khi làm gốm, be chạch là công đoạn mà người thợ vẽ khối đất dẻo thành những dải nhỏ, xếp chồng những dải đất này lên nhau thành vòng tròn để tạo hình sản phẩm theo ý muốn. Khi được khoảng 2 đến 3 dải đất, người ta dùng tay để miết những khe hở giữa các dải đất rồi tiếp tục vê đất. Từ những dải đất đầu tiên khi tạo đáy cho sản phẩm, người thợ chờ cho phần đáy se lại để tiếp tục be chạch. Cứ vậy cho tới khi hình thành một sản phẩm.

Đây là phương pháp làm gốm lưu lại dấu tay của người thợ làm gốm trên sản phẩm, tạo nên bề mặt lồi lõm tự nhiên và vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm. Quá trình làm gốm Be chạch đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chỉn chu của người thợ. Nếu với gốm vuốt tay, mỗi ngày có thể vuốt 30-40 bình thì với cách làm Be chạch, một ngày chỉ có thể làm được 3-5 chiếc (tùy kích thước, hình dáng). Khi vê đất, người làm phải bê bằng từ trên xuống dưới để khi be lên, độ dày mỏng của bình đều nhau, lúc nung không bị nứt. Anh Sơn chia sẻ: “Có những lúc chủ ý tạo dáng hình bông sen dáng trụ... nhưng lại ra những dáng khác. Từ lúc còn là dải đất cho tới khi hình thành một món gốm Be chạch là một hành trình đầy thú vị".

Qua các tác phẩm gốm trưng bày, người xem thấy được lòng yêu cái đẹp, khát khao được lưu giữ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc của những nghệ nhân làng nghề truyền thống.

Không cần cầu kì khắc họa nền hoặc vẽ trực tiếp, mỗi món gốm Be chạch tại triển lãm đã tự tạo chất riêng cho mình bằng dấu tay của người làm gốm. Hay khi kết hợp với men tiêu hóa biển, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn tôn trọng sự tự nhiên của sản phẩm nên mỗi món gốm hình thành đều có những cảm xúc rất đẹp. Gốm Be chạch luôn rất đặc biệt bởi bề mặt của nó vốn đã có độ lồi lõm tự nhiên do dấu tay người thợ để lại trong quá trình tạo hình cho gốm, và sự lồi lõm tự nhiên này đã vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm.

Triển lãm “Hóa - Hiện” gồm nhiều không gian, với các nội dung: Trưng bày các bức tranh gốm mang đậm bản sắc văn hóa Việt, trình diễn và giới thiệu quy trình làm gốm “Be chạch”, cũng như các tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu gốm trong đời sống. Trong khuôn khổ triển lãm, còn có các hoạt động tọa đàm, giới thiệu “Gốm trong đời sống tinh thần người Việt”.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-5-2023.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-bay-cac-san-pham-cua-dong-gom-be-chach-post538170.antd