Trưng bày chuyên đề 'Chân trần chí thép'

Sáng 18-4, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề 'Chân trần chí thép'.

Công chúng Thủ đô đến với trưng bày "Chân trần, chí thép".

250 hình ảnh, hiện vật tại trưng bày chuyên đề "Chân trần chí thép" được chia thành bốn nội dung: Theo dấu chân Người, Từ trong tù ngục, Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Trong đó, phần "Theo dấu chân Người" giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Phần "Từ trong tù ngục" thể hiện "chất thép" của những chiến sĩ cách mạng kiên cường, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng... "Chân trần chí thép" giới thiệu những vị tướng trong lòng dân, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái... Họ là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường, lan tỏa chí thép đến toàn quân.

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là nội dung cuối của trưng bày, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Tại lễ khai mạc, các đại biểu được nghe Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh chia sẻ những ngày gian khó nhưng đầy hào hùng trong cuộc kháng chiến cứu nước. Hai Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và Nguyễn Đức Minh cũng trao tặng những kỷ vật gắn bó với các ông trong những ngày kháng chiến cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Cũng trong dịp này, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức trưng bày hai tổ hợp: "Mốc son Điên Biên Phủ - 1954" và "Sử vàng đại thắng - 1975". Tổ hợp "Mốc son Điện Biên Phủ - 1954" thể hiện khí thế sục sôi của lực lượng dân quân trong vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ ở chiến trường Điện Biên Phủ. Tổ hợp "Sử vàng đại thắng - 1975" tái hiện trạm giao liên nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của người lính với những vật dụng quen thuộc như: võng, ba-lô, mũ cối, bi-đông...

Những trưng bày này góp phần giúp công chúng ôn lại truyền thống đấu tranh Cách mạng hào hùng, đồng thời, thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay với lớp người đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/36127002-trung-bay-chuyen-de-chan-tran-chi-thep.html