Trưng bày chuyên đề 'Hà Nội ngày trở về'

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: 'Hà Nội ngày trở về'. Trưng bày khai mạc sáng 5/10/2018 và diễn ra đến ngày 30/1/2019.

Trưng bày chuyên đề giới thiệu những chặng đường gian nan của quân, dân Việt Nam trong 9 năm trường kỳ kháng chiến để viết nên khúc khải hoàn Giải phóng Thủ đô và quay trở về khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng của mùa thu lịch sử 64 năm trước, khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô; từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng.

Trưng bày được chia thành hai nội dung chính: "Ra đi… Hẹn một ngày về" và "Hà Nội ngày trở về".

Phần nội dung thứ nhất "Ra đi… Hẹn một ngày về" là những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách, để biến lời thề sắt son đòi lại Thủ đô yêu dấu, giải phóng đất nước và đoàn tụ với gia đình trở thành hiện thực.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh xúc động kể lại giây phút trở về tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò (nơi xưa kia chính ông bị giam giữ) sau ngày Giải phóng Thủ đô

Tại không gian trưng bày công chúng được biết đến một tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sỹ đứng lên đánh giặc cứu nước; một Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu của cả dân tộc; một Hà Nội thời tạm chiếm vừa đổi thay, vừa pha trộn, vừa tạm bợ và “Chín năm làm một Điện Biên” với biết bao gian nan, máu, xương đã đổ xuống cho ngày giải phóng Thủ đô.

Phần nội dung trưng bày thứ hai Hà Nội ngày trở về là những câu chuyện của 64 năm về trước khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô; là sự vươn mình đổi thay của Thủ đô và đất nước trên con đường hội nhập và phát triển.

Thủ đô lại trở về với Tổ quốc độc lập, kết thúc một chặng đường lịch sử gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang. 15h ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ mừng chiến thắng. Giây phút linh thiêng ấy đã được nhân dân mong chờ suốt 9 năm sống trong vùng tạm chiếm. Khi còi ở Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, đoàn quân nhạc cử quốc thiều, toàn quân và dân Hà Nội hướng lên lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính, lặng đi vì xúc động.

Tổ hợp chính của trưng bày được thể hiện thành hai không gian đối lập. Một bên là hình ảnh Hà Nội đổ nát, hỗn loạn, ngổn ngang nhưng đậm chất anh hùng trong 60 ngày đêm khói lửa mùa Đông năm 1946; một bên là Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô mùa Thu năm 1954.

Nhà sử học Lê Văn Lan (đứng giữa) truyền đạt tới các em thiếu niên truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ đi trước

Đối lập với hình ảnh hoang tàn, đổ nát trong những ngày chiến tranh vệ quốc là hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng với rực rỡ cờ hoa, đèn lồng, băng rôn, cổng chào trên khắp các con đường, ngõ phố. Hà Nội như bừng tỉnh, mới lạ, rực rỡ và hân hoan. Dưới quốc kỳ, hàng triệu trái tim rực lửa thay mặt cho quân và dân cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Sự trang nghiêm, nghẹn ngào, xúc động, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng, tất cả đã vẽ nên bức tranh Hà Nội hòa quyện những gam màu trong buổi đầu giải phóng.

Trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”, lần đầu tiên hơn 20 hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô được giới thiệu tới công chúng như:

Tập thơ “Gặt mùa” (tập I, II), ông Lê Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sáng tác trong thời gian phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến và bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1953.

Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô), ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần), cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội tham gia viết bài, tổ chức in ấn, tháng 10/1954.

Chứng minh thư, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp cho ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954.

Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô như: Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò, Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, Đại tá Doãn Thạch Khôi tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ, Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao, Trung tá Lê Văn Hữu tiếp quản Thư viện quốc gia… cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã cống hiến, bảo vệ Thủ đô trong những ngày tạm chiếm như: ông Đỗ Đăng Long, Lê Văn Ba, Dương Tự Minh….

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh và phỏng vấn được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô. Đạn bom, chia cắt và đau thương đã lùi về quá khứ, cuộc sống mới ở Thủ đô tiếp tục được dựng xây và phát triển. Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành Di sản văn hóa “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Điều đó khẳng định ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước; góp phần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm động lực, ý chí phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/trung-bay-chuyen-de-ha-noi-ngay-tro-ve-d2056283.html