Trưng bày gần 60 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ

Họa sĩ Nguyễn Thụ, một trong những họa sĩ thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, sẽ có gần 60 tác phẩm trưng bày trong triển lãm mang tên 'Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình', diễn ra từ nay đến hết ngày 20-12 tại tầng 9 tòa nhà Hồng Hà, số 37 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Phan Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương trao tặng bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội bức tranh “Cô Hằng” – bức

Ông Phan Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương trao tặng bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội bức tranh “Cô Hằng” – bức

NDĐT – Họa sĩ Nguyễn Thụ, một trong những họa sĩ thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, sẽ có gần 60 tác phẩm trưng bày trong triển lãm mang tên "Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình", diễn ra từ nay đến hết ngày 20-12 tại tầng 9 tòa nhà Hồng Hà, số 37 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình được tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của họa sĩ Nguyễn Thụ (12-12-1930 – 12-12-2018). Các tác phẩm hội họa của ông triển lãm lần này nằm trong bộ sưu tập gần 300 bức tranh Nguyễn Thụ đang được Tập đoàn Thái Bình Dương mua từ nước ngoài và lưu giữ, bảo quản.

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, năm 1946, Nguyễn Thụ tham gia đội Tuyên truyền Thiếu sinh quân, thuộc Quân khu 10. Đến năm 1947, mặc dù chưa bao giờ học vẽ, nhưng ông đã vẽ một bức tranh tường và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một bức tường ở thị xã Lào Cai. Sau đó, ông dự một lớp học ngắn về mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân hướng dẫn cho bộ đội kháng chiến.

Phong cảnh Bắc Sơn - Tranh trong bộ sưu tập của Tập đoàn Thái Bình Dương.

Đến năm 1955, Nguyễn Thụ mới bước chân vào trường Mỹ thuật, lúc đó là trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Học chuyên khoa lụa và khắc gỗ, Nguyễn Thụ có nhiều sáng tác in khắc gỗ trong khoảng hai mươi năm từ 1960 đến 1980. Ông cũng tham gia làm một số tranh cổ động cùng với vài họa sĩ khác. Loạt tranh in khắc gỗ về dân quân Quảng Bình cho thấy sự hướng về công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và nỗi niềm của con người khi hai miền chia cắt. Loạt tranh về Lạng Sơn được lồng ký ức về cuộc kháng chiến chống Pháp vào những khung cảnh rừng núi đương thời. Lối vẽ đơn giản của họa sĩ tỏ ra rất phù hợp với lối in khắc gỗ đen trắng.

Từ năm 1957 cho đến năm 1966, Nguyễn Thụ dành rất nhiều thời gian đi lại quê hương vợ là Lạng Sơn, với nhiều tác phẩm vẽ về cảnh vật và con người ở đây, sinh động và chính xác.

Mẹ con - Tranh của họa sĩ Nguyễn Thụ trưng bày tại triển lãm của Tập đoàn Thái Bình Dương.

Cuối năm 1970 đầu năm 1971, họa sĩ Nguyễn Thụ được cử làm đại diện cho giới Mỹ thuật đem triển lãm "Mỹ thuật Việt Nam" đi trưng bày tại một số nước XHCN Đông Âu, giới thiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cùng đi với ông có họa sĩ Quang Thọ, và ông có sáng tác vài bức tranh lụa về Moscow, trong đó có bức tranh phong cảnh "Bảo tàng Cách mạng ở Moscow".

Từ năm 1979 – 1984, Nguyễn Thụ được cử làm Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau đó, năm 1985 – 1991, ông trở thành Hiệu trưởng trường này, kế tục các họa sĩ Victore Tardieu, Esvariste Jonchere, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn và Trần Đình Thọ.

KHÁNH NGUYÊN.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38554402-trung-bay-gan-60-tac-pham-cua-hoa-si-nguyen-thu.html