Trung Đông, châu Phi: Không chỉ lo Ebola hay Corona!

Các thảm họa gần đây như vụ nổ ở Beirut, tràn dầu và đại dịch châu chấu khiến khu vực Trung Đông - châu Phi đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhiều mặt. Nỗi lo không chỉ đến từ virus corona hay Ebola.

Khu vực Trung Đông-châu Phi đang đứng trước nguy cơ thảm họa khôn lường. (Nguồn: Oxfam)

Các thảm họa gần đây ở một số nước Trung Đông-châu Phi, nhất là Lebanon, Mauritius và một số nước đã đẩy các quốc gia vốn đang gặp khó khăn chồng chất do bất ổn chính trị, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đến bờ vực của khủng hoảng về kinh tế, xã hội, nhân đạo và thậm chí về môi trường và sức khỏe của người dân.

Hồi chuông cảnh báo

Vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amonium nitrate tại cảng Beirut, Lebanon ngày 4/8 làm ít nhất 177 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, nhiều tòa nhà ở các khu vực gần cảng bị hư hỏng và ước tính gây thiệt hại từ 10 - 15 tỷ USD.

Thị trưởng Beirut nói rằng vụ nổ là một “thảm họa quốc gia” cỡ Hiroshima. Mặc dù nguyên nhân vụ nổ vẫn đang được điều tra song các kết quả sơ bộ cho thấy việc lơ là quản lý kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ nổ trên. Đây thực sự là bài học cho những cảnh báo an toàn được báo trước nhưng không được giải quyết.

Vụ nổ trên đã giáng thêm đòn chí mạng vào Lebanon khi nước này đang trong khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng kéo dài, là “giọt nước tràn ly”, làm bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn chống Chính phủ và buộc Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay là sự thất bại của các chính phủ trong điều hành kinh tế. Việc nội bộ chia rẽ sâu sắc và nhiều nước có vai trò tại Lebanon muốn lợi dụng bất ổn để gia tăng ảnh hưởng khiến tình hình an ninh - chính trị nước này thêm bế tắc. Rõ ràng, từ thảm họa xã hội dẫn đến thảm họa chính trị là không xa.

Ngày 16/8, tàu chở dầu MV Wakashio thuộc hãng tàu Nagashiki Shipping của Nhật Bản, đã bị vỡ đôi trên biển Mauritius, làm rò rỉ khoảng 1.000 tấn dầu nhiên liệu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trên biển Ấn Độ Dương. Con tàu trên đã bị mắc cạn tại rạn san hô ở phía Pointe d’Esny vào ngày 25/7 khi đang trên đường từ Trung Quốc đến Brazil. Mặc dù Liên hợp quốc, Nhật Bản, Pháp đã gửi thiết bị và chuyên gia đến hỗ trợ giúp ngăn chặn sự cố nhưng kịch bản tồi tệ nhất vẫn xảy ra. Đây được xem là thảm họa sinh thái tồi tệ nhất của Mauritius.

Mauritius là một quốc đảo nằm ngoài khơi Ấn Độ Dương, với số dân hơn 1,2 triệu người, nổi tiếng với bãi biển đẹp, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, mỗi năm đón khoảng 1,3 triệu lượt du khách. Tính riêng năm 2019, du lịch đã mang lại cho quốc gia này 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, vụ tai nạn tàu trên được đánh giá sẽ ảnh hưởng lâu dài và tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch cũng như nền kinh tế của Mauritius.

“Bom hẹn giờ” trên biển Đỏ

Tuy chưa xảy ra nhưng tàu chứa dầu FSO Safer được ví như “bom hẹn giờ” trên biển Đỏ, đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về thảm họa môi trường. Safer từng là kho chứa dầu chính của Yemen từ năm 1988, neo đậu cách thành phố cảng Hodeihah 50 km về phía Tây Bắc. Do cuộc nội chiến, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và khu vực phía Bắc, con tàu đã rơi vào sự kiểm soát của lực lượng này từ năm 2015 đến nay.

Con tàu chở 150.000 tấn dầu được kiểm soát bởi lực lượng Houthi. (Nguồn: AP)

Tàu chở dầu FSO Safer chứa hơn một triệu thùng và đang trở thành đối tượng tranh chấp quyền sở hữu giữa lực lượng Houthi và Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. Lực lượng Houthi không thể bán dầu trên tàu do đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế và nhằm đáp trả, lực lượng này không cho phép Liên hợp quốc (LHQ) gửi thanh sát viên đến hiện trường kiểm tra thực tế.

Sau 5 năm neo đậu và thiếu sự bảo dưỡng cần thiết, con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí gần đây nước biển đã tràn vào khoang máy, có nguy cơ gây nổ, chìm tàu. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của LHQ, trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ gần đây đã cảnh báo về thảm họa môi trường nghiêm trọng nếu tàu bị chìm.

Nếu sự cố trên trở thành hiện thực, con tàu này có nguy cơ tạo ra một khu vực tràn dầu rộng gấp 4 lần thảm họa của tàu chở dầu Exxon năm 1989 trên vùng biển ngoài khơi Alaska, Mỹ. Một vụ tràn dầu như vậy sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Yemen cũng như phá hủy một trong những kho dự trữ đa dạng sinh học quan trọng nhất trên thế giới. Bà Andersen nhấn mạnh: “Thời gian không còn nhiều để chúng ta phối hợp hành động, nhằm ngăn chặn hậu quả thảm khốc về môi trường, kinh tế và nhân đạo sắp xảy ra”.

Nếu như cảnh báo về thảm họa của tàu FSO Safer không sớm được khắc phục, hậu quả sẽ rất khôn lường, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đất nước Yemen hiện đang kiệt quệ do chiến tranh, đói nghèo và dịch bệnh mà còn ảnh hưởng tới khu vực môi trường sinh thái và tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy các tuyến hàng hải quan trọng toàn cầu trên Biển Đỏ.

Đại dịch châu chấu

Dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ giữa năm 2019 ở khu vực Trung Đông, sau đó bùng phát và lan rộng ra nhiều nước châu Phi (Ethiopia, Somalia, Kenya, Uganda, Tanzania, Nam Sudan...) và cả một số nước ở Tây Á và Nam Á. Từ đầu năm 2020, những đàn châu chấu phát triển nhanh bất thường tại một số nước Trung Đông như Ai Cập, Saudi Arabia và khu vực Đông Phi, sau đó lan sang Nam Á (Pakistan, Ấn Độ) và nhiều vùng ở Trung Quốc (Vân Nam, Tứ Xuyên, khu tự trị dân tộc Choang).

Nhiều nhận định cho rằng chính châu chấu chứ không phải là Covid-19 mới là đại dịch nguy hiểm tại châu Phi. (Nguồn: FAO)

Trong suốt thời gian qua, Đông Phi đã phải hứng chịu những đợt “sóng thần châu chấu” với số lượng kỷ lục chưa từng thấy, lên tới hơn 200 tỷ con. Đây được coi là đại dịch châu chấu lớn nhất trong 70 năm qua tại Đông Phi. Thậm chí nhiều nhận định còn cho rằng chính châu chấu chứ không phải là Covid-19 mới là đại dịch nguy hiểm tại châu Phi.

Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến châu chấu dễ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn như vậy. Ngoài ra, do sự lơ là và thiếu quyết liệt của chính phủ một số nước châu Phi trong việc diệt côn trùng khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn.

Đại dịch lần này gây hại nghiêm trọng cho các quốc gia liên quan, được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Theo FAO, nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng, 1/5 diện tích hoa màu, đồng cỏ trên thế giới bị tàn phá, đe dọa an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nếu nạn châu chấu không được điểm soát, thiệt hại có thể lên tới 8,5 tỷ USD vào cuối năm nay.

Ngày 8/2, phát biểu bên lề phiên họp thường kỳ lần thứ 33 của Hội đồng điều hành Liên minh châu Phi, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết các đàn châu chấu đang gây ra những tác động tiêu cực tới nhiều vùng ở châu Phi và kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để đối phó với nạn dịch châu chấu.

Để đối phó, Kenya, Somalia, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp; Uganda, Tanzania, Eritrea nâng cảnh báo lên mức nguy hiểm đối với hoa màu nông nghiệp; Ấn Độ triển khai phun hóa chất diệt côn trùng; Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa và diệt trừ sâu bọ phá hoại mùa màng…

Trước tình hình diễn biến phức tạp và đề phòng khả năng thâm nhập vào Việt Nam tuy không cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề xuất kế hoạch ứng phó với nạn châu chấu, theo đó tăng cường các biện pháp giám sát, rà soát nguồn thuốc dự trữ quốc gia… để không bị động trước nạn dịch.

Thế Linh

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-dong-chau-phi-khong-chi-lo-ebola-hay-corona-122727.html