Trung Đông - 'điểm nóng' của thị trường vũ khí toàn cầu

Là 'điểm nóng' trên bản đồ thế giới, khu vực Trung Đông tiếp tục cho thấy sức tiêu thụ vũ khí khổng lồ với các thương vụ mua bán hàng tỷ USD được ký kết thông qua triển lãm quốc tế về quốc phòng IDEX 2019 vừa được tổ chức trong 5 ngày, từ 17 đến 21-2 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Bất chấp nhiều quốc gia tại Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng thâm thủng ngân sách do giá dầu hạ, không khí sôi động của những thương vụ mua bán vũ khí diễn ra tại cuộc triển lãm IDEX 2019 không vì thế mà suy giảm. Hơn 1.300 nhà thầu quân sự từ khắp các quốc gia trên thế giới đã đổ về Abu Dhabi để tham dự IDEX 2019-một trong những triển lãm về khí tài quân sự quy mô lớn nhất trên thế giới. Được biết, tại cuộc triển lãm này, hàng tỷ USD hợp đồng quân sự đã được ký kết mỗi ngày. Đáng chú ý, các hợp đồng mua bán vũ khí không chỉ được ký kết với các nhà thầu lớn của phương Tây mà năm nay, các công ty sản xuất vũ khí tại UAE và một số nước vùng Vịnh cũng chiếm hơn 1/2 số hợp đồng được ký kết. Riêng ngày đầu khai mạc, UAE thông báo đã ký 33 hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 1,35 tỷ USD với các công ty trong và ngoài nước. 18 hợp đồng với các công ty trong nước cho thấy khoản đầu tư không nhỏ của quốc gia vùng Vịnh vào việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa như một phần trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

 Sản phẩm của nhà sản xuất Norinco được trưng bày tại IDEX 2019. Ảnh: thenational.ae.

Sản phẩm của nhà sản xuất Norinco được trưng bày tại IDEX 2019. Ảnh: thenational.ae.

Những thương vụ mua bán vũ khí tại IDEX 2019 diễn ra trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng tăng vọt ở Trung Đông. Một báo cáo vừa được Tạp chí quân sự và quốc phòng IHS Jane’s công bố đã dự đoán chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia vùng Vịnh sẽ tăng từ 82,3 tỷ USD năm 2013 lên 103 tỷ USD vào năm 2019 và đạt mức 110,8 tỷ USD vào năm 2023.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, giá dầu đi xuống và nhiều quốc gia Trung Đông phải mạnh tay cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, chi tiêu cho quốc phòng không hề bị cắt giảm mà còn tăng vì những lo ngại an ninh khu vực. Hiện Trung Đông là khu vực nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm gần 20% thị trường quốc phòng toàn cầu. Các công ty Mỹ chiếm 50% lượng vũ khí xuất khẩu đến Trung Đông, Charles Forrester-nhà phân tích cấp cao của IHS Jane's viết trong báo cáo.

Những con số biết nói này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ tình hình địa chính trị trong khu vực. Cuộc chiến chống khủng bố, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, căng thẳng gia tăng giữa các nước vùng Vịnh đã dẫn đến cuộc chạy đua không mệt mỏi về củng cố sức mạnh quân sự và mở rộng kho khí tài. Giáo sư chính trị Ilter Turan, thuộc Đại học Bilgi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Trung Đông, khu vực xung đột, đã thu hút sự chú ý của các nhà xuất khẩu vũ khí. Sự hiện diện của một số lượng lớn quốc gia giàu dầu mỏ khiến nơi đây trở thành trị trường béo bở để bán vũ khí”. Không chỉ Mỹ mà Nga và Trung Quốc đều coi Trung Đông là thị trường vô cùng quan trọng đối với xuất khẩu vũ khí. Tại IDEX 2019, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Nga và Trung Quốc đã lần đầu tiên giới thiệu các khí tài quân sự mới, bao gồm những mẫu xe chiến đấu bộ binh của tập đoàn Norinco (Trung Quốc) và một số loại ngòi nổ, tên lửa có khả năng xuyên thủng hàng rào bọc thép và bê tông của Nga.

Cuộc triển lãm lần này chứng kiến một sự vui mừng của các nhà thầu quân sự, nhưng đó có thể là những chỉ dấu không lành cho khu vực này. Ian Bremmer, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định tình hình hiện tại không khác gì một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Nếu như trước đây, Saudi Arabia vượt trội trong cuộc chạy đua mua sắm thiết bị quân sự, nay các quốc gia nhỏ hơn như UAE hay Qatar cũng mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng. Đầu tư những khoản tiền khổng lồ mua vũ khí từ nước ngoài để tăng cường sức mạnh quân đội trở thành điều chẳng đặng đừng đối với các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Qatar khi đối mặt với lệnh bao vây cấm vận của một số nước Arab… Chỉ một thời gian ngắn sau khi bùng phát căng thẳng ngoại giao với các nước vùng Vịnh, năm 2018, Qatar đã xếp thứ 8 trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí trên thế giới, IHS Jane's cho biết.

“Tôi nghĩ rằng có một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở Trung Đông. Tất nhiên, Saudi Arabia vẫn dẫn đầu cuộc đua này, nhưng UAE và Iran cũng đều đang tăng tốc”, Bremmer trao đổi với CNBC. Theo nhà phân tích này, trong môi trường căng thẳng leo thang như hiện nay, điều hiển nhiên và đáng buồn là có khá nhiều quốc gia tìm cách nâng cấp lực lượng vũ trang và kho vũ khí của mình, khiến những nỗ lực kiến tạo hòa bình tại khu vực “chảo lửa” Trung Đông càng vấp phải nhiều khó khăn.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/trung-dong-diem-nong-cua-thi-truong-vu-khi-toan-cau-567017