Trung Đông nguy cơ bùng nổ xung đột: 'Tọa sơn quan hổ đấu', Nga vẫn có chiến thắng 'từ trên trời rơi xuống'?

Với căng thẳng tăng cao ở vùng Vịnh, Nga đang sẵn sàng hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao và khả năng có thêm nhiều khách hàng mua vũ khí phòng thủ như S-400.

Xung đột ở Trung Đông giúp Nga sinh lời từ giá dầu.

Xung đột ở Trung Đông giúp Nga sinh lời từ giá dầu.

Các nhà phân tích dự đoán, Nga sẽ trở thành người chiến thắng lớn sau cuộc tấn công vào cơ sở dầu khí của Saudi Arabia do sản lượng dầu của vương quốc Ả Rập bị cắt giảm và căng thẳng ở Trung Đông gia tăng.

Trong một ngày hỗn loạn của thị trường thế giới, giá dầu đã tăng gần 15% hôm 16/9, sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Abqaiq, nhà máy lọc dầu lớn nhất của Saudi, nơi cung cấp khoảng 5% nguồn cung dầu của thế giới.

Giá dầu tăng cao luôn là tin tốt cho Nga, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Với căng thẳng tăng cao ở vùng Vịnh và Moscow sẵn sàng tham gia vào hành động cân bằng ngoại giao khéo léo ở Trung Đông, không ai khác - Nga chính là quốc gia được hưởng lợi sau sự cố, theo Moscow Times.

Giá dầu tăng cao

“Đối với Nga, các tác động về ngắn hạn đang mang đến sự thuận lợi cho họ”, theo chuyên gia Nigel Gould-Davies từ Chatham House và là một cựu nhà ngoại giao người Anh nhận định.

Doanh thu sẽ cao hơn từ sự tăng giá dầu. Nếu Nga có thể cung cấp sản lượng dầu cao hơn với mức giá mới để giúp lấp đầy lỗ hổng do sự sụt giảm trong xuất khẩu của Saudi, thì lợi nhuận sẽ càng tăng cao.

“Đối với Chính phủ, cứ tăng 1 USD giá dầu mang lại 7,5 triệu USD doanh thu thêm mỗi ngày”, Chris Weafer từ Macro Advisory cho biết. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu đã tăng 65 triệu USD chỉ riêng hôm đầu tuần.

Cổ phiếu của Rosneft cũng tăng 5% trong một ngày bội thu của thị trường chứng khoán Nga.

Xoay trục dầu về phía Nga

Bên cạnh sự hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, cuộc tấn công ở Saudi Arabia có thể kích hoạt sự xoay trục dần về phía Nga đối với những khách hàng mua dầu.

“Về lâu dài, điều này củng cố danh tiếng của các quốc gia như Nga, vốn không bị coi là gặp rủi ro tương tự về mặt cung cấp”, Charles Robertson, nhà kinh tế tại Renaissance Capital cho biết.

“Nga chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc cung cấp khí đốt cho Tây Âu trong 45 năm Chiến tranh Lạnh, chứ đừng nói đến việc khủng bố tấn công các cơ sở. Nga luôn nổi tiếng về đảm bảo an ninh đối với nguồn cung của mình”.

Nguy cơ an ninh năng lượng ở Trung Đông mang đến lợi ích cho Nga.

Chuyên gia Weafer từ Macro Advisory cũng lưu ý: “Châu Âu và Châu Á sẽ nhạy cảm hơn với an ninh năng lượng hiện nay. Nga đã - và luôn luôn là - một đối tác năng lượng đáng tin cậy. Ngay cả khi sự cố đường ống Druzhba diễn ra hồi đầu năm nay, Nga vẫn là một đối tác rất an toàn. Trong khi đó ở Trung Đông - nơi có nhiều năng lượng hơn - lại dễ bị tổn thương hơn rất nhiều. Giờ đây, khi cơ sở an toàn nhất thế giới đã bị tấn công, các dấu hỏi về nguồn cung ở Trung Đông càng trở nên lớn hơn. Theo logic đó, nó sẽ có lợi cho Nga”.

Hưởng lợi từ căng thẳng gia tăng

Về nguyên tắc, sự không ổn định càng kéo dài, giá dầu sẽ càng tăng cao và Nga càng có thể sinh lời, Gould-Davies nói.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với Nga và các quốc gia khác là tình hình ở Trung Đông sẽ phát triển như thế nào”, ông nói thêm.

“Một cuộc xung đột lớn giữa Saudi và Iran, đặc biệt là có sự tham gia của Mỹ, có thể sẽ tạo ra sự nhiễu loạn lớn trên các thị trường năng lượng toàn cầu mà Nga có thể hưởng lợi. Mặt khác, Nga sau đó có thể bị buộc phải lựa chọn ngoại giao giữa các quốc gia mà họ có quan hệ, thay vì khéo léo giữ mối quan hệ trung hòa như trước đó”, Gould-Davies nêu quan điểm.

Alexey Khlebnikov, một chuyên gia từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Saudi có thể khiến Riyadh trở nên nghiêm túc hơn với ý định mua S-400 và các loại vũ khí khác – điều sẽ rất có lợi cho các thỏa thuận về sau này.

Hợp đồng S-400 mà Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ được cho là trị giá 2,5 tỷ USD. Phát biểu hồi đầu tuần, Tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu quảng bá hệ thống này đến Saudi, tuyên bố rằng nó có khả năng bảo vệ bất kỳ loại cơ sở hạ tầng nào trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-dong-bung-no-xung-dot-toa-son-quan-ho-dau-nga-van-sinh-loi-khong-tuong-tu-dau-va-vu-khi-a449634.html