Trung Đông tàn cuộc, Mỹ chuyển hướng đối phó vào Nga và Trung Quốc

Sau 18 năm chiến đấu với vật liệu nổ tự chế ở Trung Đông, Lầu Năm Góc đang gấp rút chuyển mình để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến công nghệ cao chống lại Nga và Trung Quốc.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan vừa ký một danh sách các ưu tiên của Lầu Năm Góc, gồm vũ khí siêu thanh, vũ khí năng lượng định hướng, không gian, mạng, khoa học lượng tử và tự động hóa. Lầu Năm Góc dường như đã không thể đi xa hơn trên chiến trường đầy bụi bặm ở Trung Đông trong 18 năm qua, tờ Economist cho biết.

Khi nói về kế hoạch ưu tiên mới, gồm không gian, quyền Bộ trưởng Shanahan nhấn mạnh điều này không được thiết kế để chống khủng bố. Ông Shanahan, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Boeing trở thành quyền bộ trưởng quốc phòng vào đầu tháng 1, khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức.

Ông nắm điều hành Lầu Năm Góc trong giai đoạn đầy biến động, khi Mỹ tìm cách định hướng lại chiến lược phát triển, sau gần 18 năm theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố không hồi kết ở Trung Đông.

Ưu tiên đối phó Nga và Trung Quốc

Tháng 1/2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược quốc phòng (NDS) mới. Các quan chức quốc phòng than thở rằng gần hai thập niên chiến đấu với quân nổi dậy và chiến binh thánh chiến đã làm xói mòn năng lực quân sự đất nước, dẫn đến sự kiệt quệ của các đơn vị và huấn luyện chiến đấu sai trọng tâm.

Binh sĩ Mỹ đang thử nghiệm điều khiển robot chiến đấu trên thực địa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Binh sĩ Mỹ đang thử nghiệm điều khiển robot chiến đấu trên thực địa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Vì vậy, NDS mới đã yêu cầu tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược, lâu dài với đối thủ chính là Nga và Trung Quốc. Ông Shanahan được giao nhiệm vụ lập tầm nhìn chiến lược, trong khi Bộ trưởng Mattis công du khắp thế giới để xoa dịu các đồng minh đang nổi giận.

Đây là lần đầu tiên kể từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan, Mỹ thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa kiến trúc chiến tranh. Michael Griffin, trợ lý bộ trưởng quốc phòng về nghiên cứu và kỹ thuật, cho biết lần đầu tiên "chúng tôi buộc phải suy nghĩ về cách chúng tôi chiến đấu".

Tái vũ trang với vũ khí mới

Một trong những ưu tiên là tái vũ trang cho các lực lượng với vũ khí họ cần. Ông Griffin đã vẽ ra bức tranh về mỗi nhánh của quân đội sử dụng tên lửa siêu thanh tầm xa riêng, với thông tin mục tiêu được cung cấp từ mạng lưới vệ tinh rộng lớn trên bầu trời. Tất cả đều được hỗ trợ bởi quy trình mua sắm có thể tạo ra vũ khí công nghệ cao trong nhiều năm, thay thì nhiều thập niên.

David Norquist, giám đốc tài chính của Lầu Năm Góc, chỉ ra các khoản đầu tư mua sắm những phương tiện hỏa lực hạng nặng như tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 mới.

18 năm chiến đấu với phiến quân ở Trung Đông đã khiến quân đội Mỹ suy giảm năng lực khi đối phó với cuộc chiến công nghệ cao. Ảnh: AP.

Tuy vậy ông thừa nhận các máy bay và tàu ngầm có thể không tồn tại được lâu dưới mưa tên lửa từ Trung Quốc hoặc Nga trong một cuộc chiến nếu có. Vì vậy, ngân sách cũng dành tiền cho số lượng lớn hơn các nền tảng nhỏ, rẻ và phân tán như các phương tiện không người lái.

Ưu tiên thứ 2 là đảm bảo các lực lượng vũ trang không chỉ có vũ khí họ cần, mà còn tổ chức huấn luyện và sẵn sàng sử dụng chúng trong những chiến trường tiềm tàng ở Đông Âu, Tây Thái Bình Dương.

Một vị tướng nói rằng đó là kế hoạch tốt, nhưng là một kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh. Ryan McCarthy, Bộ trưởng Lục quân, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng các lữ đoàn bộ binh cơ giới đang tăng cường huấn luyện triển khai tốc độ cao trong vòng 2 năm qua. Đào tạo cơ bản đã tăng từ 14 lên 22 tuần.

John Rood, người phụ trách bộ phận chính sách của Lầu Năm Góc, cho biết kịch bản huấn luyện và tập trận đang thích nghi dần với chiến lược mới, phản ánh sự tập trung vào cuộc chiến quy mô lớn với kẻ thù cao cấp.

Những người lính trước đây từng thực hành đối phó với bom, mìn tự chế trên đường phố của những kẻ khủng bố. Giờ đây họ chuyển sang học cách thích nghi để tránh các đợt không kích ồ ạt hoặc vũ khí hóa học của kẻ thù.

Quân đội cũng đang cải tổ lại các lữ đoàn mới dành riêng cho việc đối phó Nga và Trung Quốc. Những đơn vị mới được tích hợp khả năng không gian mạng, chiến tranh điện tử và không gian, các kỹ năng gần như bị lãng quên trong những năm chiến đấu với quân nổi dậy.

Tập trung tàu sân bay ở Thái Bình Dương

Trọng tâm thứ 3 trong chiến lược mới là thay đổi cách triển khai hạm đội tàu chiến và máy bay. Theo ông Rood, chiến lược mới của chúng tôi là ưu tiên Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc sẽ triển khai nhiều máy bay và tàu chiến hơn ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông chỉ ra bằng chứng trong năm 2018, chứng kiến sự vắng mặt lâu nhất của một tàu sân bay Mỹ trên Vịnh Ba Tư kể từ năm 2001. Thay vào đó, 2 tàu sân bay đã được điều động đến khu vực Thái Bình Dương.

Cơ cấu chỉ huy cũng được cải tổ. 7 trong số 8 nhiệm vụ cố vấn ở Bộ Tư lệnh châu Phi đã bị cắt giảm. Bộ Tư lệnh Trung ương, bao gồm các đơn vị từ Ai Cập đến Pakistan cũng sẽ được cải tổ lại.

Tuy vậy, tái cân bằng lực lượng cũng chỉ là một phần của câu chuyện, Yếu tố quan trọng nhất theo quyền Bộ trưởng Shanahan là xây dựng lực lượng năng động. Lực lượng có thể di chuyển nhanh chóng khắp thế giới mà kẻ thù không thể đoán trước được.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng Lầu Năm Góc đang mua quá nhiều các phương tiện phục vụ cho chiến tranh truyền thống như xe tăng hạng nhẹ. Lầu Năm Góc chưa thực sự tập trung vào phát triển, xây dựng và thử nghiệm số lượng lớn các hệ thống tự động, không người lái mà quân đội cần.

Quyền Bộ trưởng Shanahan kêu gọi những người hoài nghi hãy kiên nhẫn chờ đợi ngân sách quốc phòng năm 2020, mà ông mô tả là “kiệt tác”.

Theo Trung Hiếu/Zing.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/trung-dong-tan-cuoc-my-chuyen-huong-doi-pho-vao-nga-va-trung-quoc-1192909.html