Trung Hoa… lẩm cẩm (?) (Kỳ 3)

Vương Mãng thua trận. Trương Thúc bỏ chạy ra Trì Dương. Nghe tin giặc đuổi theo, đáng lẽ phải chạy ngay, nhưng Trương Thúc coi ngày, không thể đi được vì ngày xấu. Giặc tới, Trương Thúc bị giết.

Chuyện 11 - Vạn vật nhất thể

Một nhà Nho rất thích bàn về "vạn vật nhất thể". Có một kẻ hủ Nho khác, hỏi:

- Giả như gặp hổ dữ, thế thì hiểu sao là nhất thể?

Nhà Nho ta giải thích:

- Người có đạo đức có thể "hàng long, phục hổ", cho nên khi gặp hổ dữ, cưỡi lên lưng mà trị nó. Quyết không để nó ăn thịt.

Chu Hải Môn cười mà nói với bác nhà Nho gàn rằng:

- Ngồi trên lưng hổ vẫn còn là hai thể khác nhau. Phải đợi hổ ăn thịt, mình chui vào bụng hổ rồi, lúc đó mới đúng là "vạn vật nhất thể" vậy.

Người nghe cười bò.

Chuyện 12 - Họ cừu, họ Quản hối hận

1. Quách Lâm Tông hỏi Cừu Quý Tri:

- Bác có sai lầm gì không?

Quý Tri đáp:

- Một lần tôi cho trâu ăn, trâu không chịu ăn. Tôi hạ một roi. Đến bây giờ thấy vẫn còn ái ngại!

2. Quản Ninh đi thuyền trên biển, thuyền lật nhào. Quản Ninh có dịp sám hối về cả cuộc đời mình: "Sáng ra, có một lần, Ninh này để đầu trần không khăn mũ gì cả. Có ba buổi sáng khác thì thức dậy muộn. Lỗi lầm của Ninh này cũng chỉ có thế thôi!".

Chuyện 13 - Tranh lăn đường

Trần Liệt người Phúc Châu, miệng lúc nào cũng huyên thuyên cổ động cho những lễ nghi cổ xưa. Sái Quân Mô cư tang ở Bồ Điền, Trần Liệt đến viếng tang. Gần tới nơi, Trần Liệt nói với học trò:

- Kinh thi có nói: Phàm người dân có tang lễ thì mau đến giúp đỡ, lo lắng giùm. Nay ta cùng các học trò hãy hành lễ theo Kinh thi vậy.

Thế rồi cả bọn khăn đen chít trên đầu, mặc áo da liền quần, Trần Liệt cùng với hai mươi học trò nhìn theo hướng cửa nhà Sái Quân Mô mà lăn, mà bò, hoặc đi bằng đầu gối, kêu khóc vang trời, khiến cho đàn bà con nhỏ trong vùng trông thấy hoảng sợ bỏ chạy.

Còn bản thân Sái Quân Mô thì cố nín cười mà nhận lễ viếng.

Ngay thời ấy, Lý Cấu dựa theo cảnh này mà vẽ nên bức tranh nổi tiếng "Tranh lăn đường".

Chuyện 14 - Đem theo lương khô

Sách "Vật lý luận" có chép: Lữ Tử Nghĩa nổi tiếng là một hiền sĩ. Một lần tới thăm người quen cũ, ngại rằng bạn phải lo cơm rượu phiền toái, Tử Nghĩa bèn gói ghém lương khô mang theo.

Tới nơi, chủ nhà lấy làm vinh hạnh vì khách quý, nên cố dọn cơm rượu rất thịnh soạn. Tử Nghĩa liền lấy lương khô của mình ra, xin chủ nhà cho một bát nước lạnh, cứ thế ngồi ăn.

Chuyện 15 - Chọn ngày chọn giờ tốt

1. Vương Mãng thua trận. Trương Thúc bỏ chạy ra Trì Dương. Nghe tin giặc đuổi theo, đáng lẽ phải chạy ngay, nhưng Trương Thúc coi ngày, không thể đi được vì ngày xấu. Giặc tới, Trương Thúc bị giết.

Ngày xấu, ở nhà còn mang họa đến thế, huống gì bỏ nhà mà chạy!

2. Tiết Xương Tự, làm chân thư lại ở Kinh Châu, tính tình rất mê muội. Quân nhà Lương kéo đến, Nguyên soái Kinh Châu đang đêm chuẩn bị người ngựa, hành lý bỏ chạy, tới lúc lên yên ngựa mới nhớ ra vội nói:

- Truyền ngay cho thư lại lên ngựa ngay theo ta!

Lính giục tới tấp, nhưng họ Tiết nấp kín trong một am cỏ, nói vọng ra:

- Nhờ thưa với Nguyên soái cứ lên ngựa trước. Sáng nay tiểu nhân không được khỏe!

Nguyên soái Kinh Châu nổi giận, cho người đẩy Xương Tự lên xe ngựa. Rồi ra roi cho ngựa chạy. Xương Tự ngồi trong thùng xe, lấy chăn phủ kín mặt, lu loa:

- Ngày hôm nay phải kiêng kỵ, không được "tiếp khách".

Thật đáng cười cho việc làm ngớ ngẩn của Tiết Xương Tự. Ngày xấu, trốn ở trong am cỏ, không chịu tiếp khách, thà đón giặc còn hơn.

(Còn tiếp)

Theo "Cổ kim tiểu sử của Phùng Mộng Long"

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-hoa-lam-cam-ky-3-276466.html