Trúng 'lộc biển' đầu Xuân, ngư dân Quảng Trị kỳ vọng mùa biển mới bội thu

Theo bà con ngư dân Quảng Trị, những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thời tiết ấm, trời yên biển lặng nên rất thuận lợi cho vươn khơi, đồng thời cũng xuất hiện nhiều luồng cá.

Quảng Trị có khoảng 2.200 tàu cá, trong đó có gần 200 tàu cá công suất lớn làm nghề khai thác thủy sản xa bờ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngư dân Quảng Trị rất phấn khởi khi đánh bắt được nhiều tôm, cá mà người dân vùng biển thường gọi là "lộc biển."

Nguồn lợi từ "lộc biển" mang lại không những giúp ngư dân có cái Tết đủ đầy hơn, mà còn tạo kỳ vọng mùa biển mới năm 2024 bội thu.

Trúng "lộc biển" ngày cận Tết

Theo bà con ngư dân Quảng Trị, những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thời tiết ấm, trời yên biển lặng nên rất thuận lợi cho vươn khơi, đồng thời cũng xuất hiện nhiều luồng cá.

Sáng sớm ngày cận Tết ở cảng cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh ngư dân vẫn tấp nập đưa tàu đánh bắt cá cơm cập bến cảng.

Trên bến cảng nhiều thương lái chờ sẵn và chuẩn bị cân, phương tiện để thua mua rồi vận chuyển cá cơm đi tiêu thụ.

Những chuyến biển gần bờ dịp cận Tết trúng đậm cá cơm. Thế nên mỗi tàu cập cảng mang theo từ 4-5 tấn cá cơm chỉ sau một đêm đánh bắt.

Ngay khi tàu cập cảng, ngư dân khẩn trương đưa cá cơm từ hầm bảo quản lên tàu, sau đó cá cơm được đựng trong những khay nhựa lớn trước khi vận chuyển lên bờ.

Việc vận chuyển cá cơm từ tàu lên bờ phải thực hiện nhanh nhất có thể, bởi cá cơm càng tươi bán càng được giá. Cá cơm tươi chế biến ra nhiều sản phẩm cũng cho chất lượng tốt hơn.

Mỗi chuyến biển khai thác cá cơm ngày cận Tết cho thu nhập hàng chục triệu đồng, mỗi lao động nhận được tiền công 2 triệu đồng, thu nhập còn lại thuộc về chủ tàu.

Cá cơm được chủ các cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô ở huyện Gio Linh thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Ngay sau khi thu mua, cá cơm được đem đi sơ chế, sau đó đưa vào lò hấp trong khoảng 5 phút rồi đem phơi khô. Khi thành phẩm cá cơm khô bán với giá từ 60.000-70.000 đồng/kg. Bình quân từ 3,5-4kg cá cơm tươi sau khi hấp phơi khô thì thu được 1kg cá cơm khô thành phẩm.

Mùa khai thác cá cơm thường diễn ra từ tháng Hai đến tháng Tám hàng năm. Ngư dân thường dùng tàu công suất nhỏ, mỗi tàu có từ 4-6 lao động để đi đánh bắt cá cơm ở vùng biển cách bờ khoảng 15-20 hải lý. Mỗi chuyến biển đánh bắt cá cơm thường kéo dài từ chiều ngày hôm trước, đến sáng sớm ngày hôm sau.

Mỗi chuyến biển khai thác cá cơm ngày cận Tết cho thu nhập hàng chục triệu đồng, mỗi lao động nhận được tiền công 2 triệu đồng, thu nhập còn lại thuộc về chủ tàu.

Ngư dân Lê Văn Trà, huyện Gio Linh chia sẻ cận Tết đánh bắt được nhiều cá cơm nên ngư dân rất phấn khởi. Mặc dù cần chuẩn bị nhiều việc để đón Tết nhưng bà con ngư dân vẫn tích cực vươn khơi đánh bắt cá cơm. Có được thu nhập cao từ đánh bắt cá cơm, nhiều hộ ngư dân có tiền mua sắm Tết đủ đầy hơn; đồng thời là tín hiệu vui, tạo thêm sự lạc quan và kỳ vọng vào một mùa biển mới được thuận buồm xuôi gió.

Cảng cá Nam Cửa Việt - cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Trị ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong cũng nhộn nhịp, tấp nập người mua, người bán từ sáng sớm. Các phương tiện nối nhau ra vào cầu cảng để vận chuyển thủy sản đi nơi khác tiêu thụ. Những ngày cận Tết, cảng cá này tiếp nhận nhiều tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ được nhiều cá sòng, cá thu, cá duội và đặc biệt là cá bè vàng.

Cá bè vàng được ngư dân đánh bắt ở vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ngư dân thường dùng tàu cá công suất lớn với 7-10 lao động để thực hiện chuyến biển đánh bắt cá bè vàng trong khoảng thời gian từ 3-4 ngày. Tàu đánh bắt ít cũng được từ 500-700kg cá bè vàng; nhiều thì từ 3-5 tấn cá bè vàng trong mỗi chuyến biển. Cá biệt có tàu đánh bắt được hơn 10 tấn cá này.

Cá bè vàng đang bán giá cao gồm: Loại từ trên 3,5 kg có giá từ 100.000-110.000 đồng/kg, cao hơn từ 30.000-40.000 đồng/kg so với trước đây; loại từ 3,5kg trở xuống bán được 60.000-80.000 đồng/kg, tùy trọng lượng và chất lượng cá.

Ngư dân Bùi Văn Nam, huyện Triệu Phong, chia sẻ cá bè vàng được mùa, giá bán lại cao và dễ tiêu thụ nên chủ tàu, thuyền viên và cả người thu mua đều rất phấn khởi.

Sau khi vận chuyển thủy sản lên bờ và bán cho thương lái, chủ tàu liền tiếp nhiêu liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi đánh cá. Trong ít giờ nghỉ ngơi khi tàu cá cập cảng, không ít ngư dân đến các gian hàng bán hoa ngay gần các cảng cá để mua hoa về chưng Tết. Tiền mua hoa Tết chính là tiền kiếm được từ chuyến vừa cập bờ. Kỳ vọng vào mùa biển mới năm 2024 đánh bắt được nhiều tôm, cá luôn chiếm phần lớn trong những câu chuyện mà ngư dân kể cho nhau nghe vào những ngày cận Tết.

Theo Cục Thống kê Quảng Trị, trong tháng 1/2024 ngư dân tích cực bám biển đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu Tết; thời tiết khá thuận lợi nên sản lượng thủy sản khai thác tăng khá. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1/2024 của tỉnh ước tính đạt 1.235 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Chung tay phát triển

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng trên 2.200 tàu cá, trong đó có gần 200 tàu cá công suất lớn làm nghề khai thác thủy sản xa bờ. Năm 2024, tỉnh phấn đấu sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 27.000 tấn.

Tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp để vừa đạt sản lượng khai thác thủy sản theo kế hoạch, vừa thực hiện tốt những chính sách phát triển nghề cá bền vững; đặc biệt là thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Quảng Trị, thời gian quan địa phương đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện IUU. Cụ thể là tỉnh không có tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá xuất, nhập lạch tại các Đồn hoặc Trạm Biên phòng tuyến biển được kiểm tra kiểm soát; 100% tàu cá được đánh dấu; công tác giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện thường xuyên đúng theo quy định.

Ngư dân Quảng Trị vận chuyển cá hố ở Cảng cá Nam Cửa Việt đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Để chống khai thác IUU hiệu quả, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giám sát tàu cá, sản lượng khai thác thủy sản tạo thuận lợi cho quản lý và ngư dân. Điển hình là áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử gồm: tải ứng dụng, thao tác sử dụng hệ thống khai báo trước khi tàu cá rời cảng, nhập sản lượng đánh bắt trong quá trình khai thác, khai báo cập cảng để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm soát tàu rời và cập cảng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; cấp giấy biên nhận, giấy chứng nhận nguyên liệu theo quy định.

Thời gian tới, lực lượng chức năng tăng cường tổ chức trực, vận hành Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời tàu cá hoạt động vi phạm trên các vùng biển, nhất là vùng biển nước ngoài.

Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất và nhập bến; kiên quyết không để các tàu cá chưa lắp đặt, chưa bật thiết bị giám sát hành trình, không có đầy đủ hồ sơ giấy tờ xuất lạch đi khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng tại cảng cá, thu nhận nhật ký khai thác và xác nhận chứng nhận sản phẩm từ khai thác.

Cùng với đó, hướng dẫn và có giải pháp cụ thể để các tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 15 mét, tuân thủ quy định cập cảng cá bốc dỡ sản phẩm khai thác; ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản cho quản lý cảng cá đầy đủ, đúng quy định để phục vụ giám sát sản lượng thủy sản khai thác.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn tiếp tục thực hiện chính sách khác hỗ trợ ngư dân bám biển như hỗ trợ tiền nhiên liệu cho tàu cá khai thác xa bờ; hỗ trợ mua bảo biểm thân tàu, bảo hiểm cho ngư dân; giải ngân vốn vay ưu đãi cho đóng và cải hoán tàu cá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trung-loc-bien-dau-xuan-ngu-dan-quang-tri-ky-vong-mua-bien-moi-boi-thu-post927213.vnp