Trung – Mỹ: Nguy cơ 'chiến tranh lạnh công nghệ'

Tờ Financial Times của Anh hôm 10/12 đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch cấm tất cả các cơ quan chính phủ và các thể chế công khác sử dụng phần mềm và máy tính nước ngoài. Động thái này có thể làm sụt giảm doanh số của các công ty công nghệ Mỹ và làm gia tăng căng thẳng vào thời điểm rất quan trọng trong cuộc chiến thương mại.

Công ty Huawei của Trung Quốc đang thể hiện khả năng phát triển ở thị trường khác ngoài Mỹ

Lệnh cấm chưa công bố

Theo kế hoạch tại Trung Quốc, các phần mềm và phần cứng của nước ngoài sẽ dần bị xóa bỏ trong vòng 3 năm. Công ty môi giới China Securities nói với Financial Times rằng, đó là yêu cầu mà Văn phòng Trung ương ĐCS Trung Quốc đưa ra đầu năm nay.

Cụ thể, việc thay thế phần mềm và phần cứng sẽ là 30% trong năm 2020, 50% năm 2021 và 20% năm 2022, vì thế kế hoạch này được gọi là “3-5-2”.

China Securities ước tính khoảng 30 triệu chiếc máy tính sẽ bị thay thế. Quyết định của Trung Quốc chưa được công khai, nhưng tờ Financial Times dẫn lời 2 công ty an ninh mạng nói rằng các khách hàng chính phủ của họ đã thông báo chính sách này.

Neil Campling, Giám đốc nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông của Công ty Mirabaud Securities nói rằng, hành động của chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ nước này khỏi sự gia tăng căng thẳng với Mỹ.

“Đó là điều mà Trung Quốc đang xem xét để đảm bảo rằng các hoạt động của chính phủ không bị ảnh hưởng bởi việc căng thẳng leo thang với Mỹ” - ông Campling nói với Kênh truyền hình CNBC.

Động thái của Bắc Kinh diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đã diễn ra gần 2 năm qua. Theo các nhà quan sát, bản chất của nó là cuộc chiến lớn hơn xem ai là người kiểm soát công nghệ của tương lai.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Mỹ nhắm đến từ lâu. Đầu năm nay, Công ty Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen - tức là các công ty Mỹ bị cấm giao dịch với người khổng lồ về mạng viễn thông của Trung Quốc.

Tháng 10 vừa qua, Mỹ mở rộng danh sách này, đưa vào đó một số công ty giám sát Trung Quốc như Hikvision, một trong những công ty lớn nhất thế giới về công nghệ giám sát.

Một điều khoản trong Luật Ủy nhiệm Quốc phòng của Mỹ cũng cấm các cơ quan hành pháp của chính phủ mua phần cứng viễn thông của Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE. Mỹ viện dẫn các quan ngại về an ninh quốc gia, song Huawei và các công ty Trung Quốc khác đã bác bỏ cáo buộc này. Ngược lại, từ nhiều năm nay Trung Quốc đã cấm Google và Facebook hoạt động.

Tham vọng “Made in China”

Chính sách mới của Trung Quốc có thể được xem là những bước đi trực tiếp nhất chống lại các công ty công nghệ Mỹ trong chiến tranh thương mại. Mặc dù, các cơ quan chính phủ thường dùng máy tính Trung Quốc như Lenovo, song họ cũng thường dùng phần mềm Windows của Microsoft, chip của Intel và phần cứng của Dell hay HP của Mỹ.

Tác động của quyết định trên với đàm phán thương mại sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ “tiêu hóa” động thái của Trung Quốc thế nào - ông Nick Marro, Giám đốc thương mại toàn cầu của Tổ chức The Economist Intelligence Unit nói. Theo ông, điều này có thể làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận về việc Huawei, ZTE và các công ty khác tiếp cận thị trường Mỹ ra sao.

Lâu nay Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã cấm các công ty Trung Quốc thâm nhập thị trường một cách bất công, và với quyết định này, chính quyền Trung Quốc có thể nói rằng họ đang làm theo cách của Mỹ lâu nay.

Một vấn đề nữa là Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tham vọng trở thành nhà vô địch công nghệ toàn cầu chỉ trong vài năm, với chính sách “Made in China 2025”. Cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ thúc đẩy thời hạn để Trung Quốc thoát khỏi công nghệ Mỹ và trở nên tự chủ hơn - CNN bình luận.

Trung Quốc rất muốn bắt kịp Mỹ trong các lĩnh vực như các chất bán dẫn và thậm chí trong cả những lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thay thế phần cứng đã khó, thay thế phần mềm ở quy mô lớn như vậy còn là thách thức lớn hơn do công nghiệp phần mềm của Trung Quốc chưa phát triển mạnh như Mỹ.

Trung Quốc chưa thực sự có phần mềm thay thế cho Windows của Microsoft hay các phần mềm của Apple. Năm nay, Huawei đưa ra hệ điều hành riêng của họ có tên HarmonyOS, nhưng chưa rõ liệu phần mềm này có thích hợp cho việc sử dụng trong chính phủ hay không.

Thật ra, theo nhiều nhà quan sát, các công ty Mỹ chỉ chịu ảnh hưởng giới hạn từ quyết định nói trên, bởi họ bán hàng chủ yếu cho khu vực tư nhân, còn nhiều cơ quan nhà nước ở Trung Quốc đã chuyển sang công nghệ nội địa. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng đây mới chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc phản công lớn hơn nhằm vào công nghệ cho lĩnh vực tiêu dùng và sẽ khiến các công ty Mỹ thiệt hại nặng.

Financial Times thì cảnh báo nguy cơ về “chiến tranh lạnh công nghệ” sẽ khiến cả hai bên thiệt hại rất nhiều. Trung Quốc, cho dù có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu công nghệ, song vẫn phụ thuộc nặng vào bí quyết nước ngoài và nhập khẩu.

Còn Mỹ, trong khi muốn cản trở việc đổi mới công nghệ của Trung Quốc, thì thực tế lại đang thúc đẩy việc này. Tranh chấp công nghệ Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến các công ty thuộc tất cả các lĩnh vực, tất cả các khu vực trên thế giới.

Financial Times cho biết, ông Robert Zoellick, cựu Chủ tịch World Bank, cựu quan chức trong các chính quyền Cộng hòa, gần đây đã cảnh báo nguy cơ của việc đẩy Bắc Kinh vào một hệ thống biệt lập với các luật lệ khác, và sẽ không có ai thắng trong cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ.

Mỹ Hằng (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-my-nguy-co-chien-tranh-lanh-cong-nghe-4052517-b.html