Trung - Nhật: Từ cạnh tranh tới hợp tác

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được đánh giá là 'bước ngoặt lịch sử' trong quan hệ hai nước, vốn đang ở trong tình trạng rất xấu trong suốt nhiều năm qua.

Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe lần đầu tiên tiến hành thăm chính thức Bắc Kinh.

Ông Abe đã thăm Trung Quốc bốn lần kể từ khi nhậm chức, và từng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều dịp khác tại các sự kiện quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên ông tiến hành thăm chính thức Bắc Kinh.

Trung Quốc đã tiếp đón Thủ tướng Shinzo Abe bằng nghi lễ rất trang trọng với 19 phát đại bác và màn duyệt đội danh dự ở Đại lễ đường Nhân dân. Không khí này khác hẳn so với năm 2014, khi Thủ tướng Abe lần đầu hội đàm kể từ khi nhậm chức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Lúc ấy, hai ông bắt tay nhau với khuôn mặt lạnh lùng và mỗi người nhìn một hướng.

“Từ cạnh tranh tới hợp tác, mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn mới “, ông Abe vui vẻ nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm khá dài với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Shinzo Abe đã thừa nhận sự thống trị kinh tế của Trung Quốc trên thế giới và tuyên bố chính thức chấm dứt viện trợ. Thay vào đó, ông cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị sâu rộng hơn với Bắc Kinh.

Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản cùng với các thỏa thuận hợp tác mới mà ông ký kết với người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa hai nước, vốn bị ám ảnh nặng nề bởi quá khứ chiến tranh và hiện vẫn đang căng thẳng vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

“Nhật Bản và Trung Quốc giờ đang đóng vai trò không thể thiếu cho sự tăng trưởng kinh tế không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn thế giới”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Tháp tùng nhà lãnh đạo Nhật Bản trong chuyến đi lần này có Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại và hơn 1.000 doanh nhân. Hai bên đã ký kết hơn 500 thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá lên đến hơn 2,6 tỉ đô la, gồm các dự án hạ tầng, năng lượng, xe hơi và một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương trị giá tương đương 30 tỉ đô la Mỹ.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, quan hệ giữa hai nước đã “trở lại quỹ đạo bình thường”. Ông hy vọng hai bên sẽ đạt được “nhiều tiến bộ hơn”, ám chỉ chương trình “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Nhật trước đây từng từ chối ủng hộ.

Theo một quan chức trong chính quyền Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ sáng kiến vành đai, con đường, miễn là Trung Quốc tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch, bảo vệ môi trường và phù hợp khả năng kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ D.Trump chính là người đã “góp phần” đưa hai “đối thủ lịch sử” xích lại gần nhau hơn. Trong bối cảnh ông Trump rút khỏi các hiệp ước thương mại toàn cầu và đe dọa các đồng minh truyền thống bằng chính sách thuế, Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định gác qua một bên những bất đồng để hợp tác chặt chẽ, nhằm đối phó với những bất ổn mà Mỹ gây ra.

Chuyến thăm chính thức của ông Abe đến Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về việc bị cô lập trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Còn Nhật Bản cũng hồi hộp không kém khi bị Mỹ dọa sẽ đánh thuế xe hơi 20%.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Abe cho rằng, hai nước cần phải thay đổi quan hệ sang một “hướng lịch sử mới” khi những bất ổn đang ngày một gia tăng trên toàn cầu. Ông Abe cũng đồng ý với đề nghị đó.

Song, liệu sau những cái bắt tay nồng ấm và những lợi ích kinh tế chung để cùng đối phó với Mỹ, quan hệ Trung - Nhật sẽ tiến xa tới đâu?.

Monika Chansoria, chuyên gia chính sách đối ngoại và cao cấp tại Học viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản tại Tokyo, nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng, sẽ là quá sớm để trông đợi sự chấm dứt hoàn toàn căng thẳng trong mối quan hệ Trung-Nhật vốn bất đồng từ lâu, chỉ sau một chuyến thăm.

“Sự khác biệt rõ rệt trong triển vọng và cách tiếp cận chiến lược; chính trị và áp lực trong nước; tham vọng và chiến lược trong khu vực, tất cả sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tương lai của quan hệ Trung-Nhật trong khu vực Đông Á và xa hơn”, bà Monika cho biết.

Ông Lee Myon-woo, chuyên gia về Nhật Bản và hiện là Phó chủ tịch của Viện Sejong ở Seoul, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Shinzo Abe chưa thể giải quyết các vấn đề về cấu trúc trong mối quan hệ hai nước.

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280999/trung--nhat-tu-canh-tranh-toi-hop-tac-.html