Trừng phạt chưa lâu, châu Âu mở cửa đón Nga trở lại

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga đã tuyên bố về khả năng Nga sẽ trở lại tham gia PACE trong phiên họp tháng 6 này.

Một phiên họp của PACE.

Một phiên họp của PACE.

Tuy nhiên, để Nga có thể tham gia, hội nghị nên công bố một quyết định, nêu rõ về sự không phù hợp của các biện pháp trừng phạt chống lại đoàn đại biểu quốc gia Nga mà PACE đã tuyên bố trước đó.

"Tôi thừa nhận rằng phái đoàn của Nga có thể tham gia phiên họp tháng 6 của PACE. Chúng tôi sẽ đến đó, nếu bộ phận về bộ phận về Quy tắc và Thủ tục của PACE và của chính Hội đồng PACE đưa ra quyết định liên quan đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các phái đoàn Nga vào ngày đầu tiên làm việc của phiên họp" - ông Slutsky nói với các phóng viên vào ngày 1/6.

Ông Slutsky cho biết, những cuộc đàm phán của Nga với các thành viên chính trị châu Âu đang được tiến hành một cách "căng thẳng" nhưng có tính xây dựng.

"Một cuộc trò chuyện với lãnh đạo của Nhóm hợp nhất châu Âu - ông Tiny Kox đã diễn ra gần đây.

Tôi không loại trừ rằng một cuộc họp giữa các nhà lập pháp Nga và các quan chức cấp cao của PACE có thể được tổ chức sau cuộc họp của bộ phận về Quy tắc và Thủ tục của PACE. Cho đến nay, các cuộc thảo luận cho thấy một quyết định mang tính xây dựng có khả năng cao sẽ được đưa ra" - ông Slutsky cho biết thêm.

"Như bạn nhớ, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu sẽ được bầu tại phiên họp tháng 6. Sự tham gia của Nga vào cuộc bầu cử là rất quan trọng để tiếp tục hợp tác hợp pháp với tổ chức đó. Điều này được Moscow hiểu và tôi cũng hy vọng sẽ có mặt ở Strasbourg thời gian tới" - ông Slutsky khẳng định.

Trước đó, hôm 21/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại đề cập đến quyền bầu cử của Nga tại PACE.

Việc Pháp, Đức ủng hộ Nga được khôi phục quyền bỏ phiếu của họ ở PACE đồng nghĩa với việc 18 đại biểu (nghị sĩ Nga) được phép đóng góp ý kiến, tham gia chất vấn, đưa tham luận... trong các hoạt động của PACE cho thấy những động thái đầu tiên nhằm phá băng mối quan hệ bất đồng những năm qua.

Vào tháng 4/2014, phái đoàn Nga đến PACE đã bị tước bỏ các quyền chủ chốt của mình, bao gồm quyền bỏ phiếu và tham gia vào các cơ quan quản lý hội nghị. Động thái này theo sau sự phát triển ở Ukraine và vấn đề Crimea đã sáp nhập vào Nga.

Vấn đề khôi phục quyền của phái đoàn Nga đã được nêu ra tại PACE hai lần vào năm 2015, nhưng thay vào đó, các lệnh trừng phạt chỉ được thắt chặt thêm.

Đầu tháng 5/2019, Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu nhóm họp tại Helsinki đã đưa ra tuyên bố rằng tất cả các nước trong Hội đồng cần có quyền tham gia bình đẳng vào UB Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (CMCE) và Đại hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE). Tuyên bố được cho là động thái mời gọi Moscow trở lại cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách của Ủy hội châu Âu.

Khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, ông Alexei Chepa đã nói rằng, Nga muốn phái đoàn của mình không chỉ có nghĩa vụ đóng góp ngân sách, mà còn phải có quyền lợi tham gia bỏ phiếu tại Hội đồng một cách chính thức và đầy đủ.

"Chúng tôi sẽ chỉ quay lại trong điều kiện Hội đồng đáp ứng được các quy chuẩn của luật pháp quốc tế" - ông Chepa khẳng định, đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng không nên phân biệt đối xử với Nga, cũng như các quốc gia khác.

PACE được thành lập theo Hiệp ước London. Hội đồng là một trong hai cơ quan theo định chế của Ủy hội châu Âu, bao gồm Ủy ban Bộ trưởng (các bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên) và Hội đồng Nghị viện, đại diện các lực lượng chính trị.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-phat-chua-lau-chau-au-mo-cua-don-nga-tro-lai-3381152/