Trừng phạt Nord Stream-2 có khiến Mỹ bán được LNG?

Mỹ trình dự thảo luật trừng phạt dự án Nord Stream-2 mới đồng thời thúc đẩy bán khí hóa lỏng sang thành viên NATO.

Dự thảo luật mới được trình tới Thượng viện Mỹ mang tên ESCAPE sẽ áp đặt những trừng phạt đối với các dự án năng lượng của Nga, bao gồm cả Nord Stream-2.

Dự luật mới có thể sẽ là các biện pháp trừng phạt áp đặt trực tiếp lên các pháp nhân đầu tư cho dự án Nord Stream-2 thay vì chờ đợi được Tổng thống ra quyết định.

Dự án Nord Stream-2 sẽ bị Mỹ trừng phạt thẳng tay hơn lần trước?

Dự luật được giới thiệu bởi Thượng Nghị sĩ Mỹ John Barrasso. Đồng tác giả của dự luật này bao gồm các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner và Steve Daines.

Thông báo về dự luật này, Thượng Nghị sĩ John Barrasso nhấn mạnh: "Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng khí đốt của Nga để tống tiền và đe dọa các đồng minh của chúng tôi và các đối tác của chúng tôi".

Ông Barrasso cho biết, dự luật này cũng yêu cầu Bộ trưởng Năng lượng đẩy nhanh phê chuẩn xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc các đồng minh khác như Nhật Bản nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Tháng 6 năm ngoái, Thượng Viện Mỹ đã thông qua một dự luật đe dọa trừng phạt, nghiêm cấm các ngân hàng và cấm dự đấu thầu các dự án tại Mỹ những doanh nghiệp châu Âu nào có tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn Nord Stream-2.

Tờ Politico dẫn lời các chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dự án Nord Stream-2 là điều duy nhất có thể giết chết dự án vào thời điểm này. Điều ít rõ ràng hơn là liệu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ có thể tạo nên sự khác biệt hay không và liệu châu Âu có muốn hay cần sự trợ giúp của Washington trong việc quản lý an ninh năng lượng của chính mình hay không.

Brenda Shaffer, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Georgetown cho rằng, bằng cách thúc đẩy xuất khẩu năng lượng Mỹ như là một phương án thay thế cho Nord Stream-2, Washington đang gửi một thông điệp sai lầm về việc ai đó bị ép mua năng lượng của Nga.

Một vấn đề nữa là, một số công ty năng lượng lớn của Tây Âu đang giúp Gazprom xây dựng đường ống dẫn khí đốt và Đức là điểm nhận từ lâu đã hỗ trợ điều đó. Điều đó có nghĩa là bất kỳ hành động nào của Mỹ đối với dự án năng lượng lớn của Nga sẽ thực sự nhắm đến những người bạn và đồng minh danh nghĩa ở châu Âu.

"Liên kết xuất khẩu khí đốt của Mỹ với dự luật chống Nord Stream-2 làm suy yếu vị thế của Mỹ" - bà Brenda Shaffer nói, bởi vì nó "củng cố tuyên bố của Moscow rằng Mỹ đang hành động vì lợi ích của mình".

Theo Agnia Grigas, chuyên gia năng lượng tại Hội đồng Đại Tây Dương: "Việc xử phạt các công ty của Đức và các công ty châu Âu khác góp phần vào việc xây dựng Nord Stream-2 tại thời điểm này, khi Mỹ đang đối mặt với căng thẳng với các đồng minh châu Âu và với chính Đức, là điều có thể vô tình dẫn đến mâu thuẫn nhiều hơn giữa Mỹ và châu Âu, thay vì tăng cường tư thế chung chống lại Nga".

Vị chuyên gia cho rằng, có một vài lựa chọn để ngăn chặn đường ống, như là yêu cầu Nga và Đức tiếp tục vận chuyển khí đốt bằng đường ống trên đất liền băng qua Ukraine.

Song, với việc này, nước Mỹ không hề được lợi hơn ngoài những cảm kích đến từ Kiev.

Hơn nữa, ngay cả khi phía Nga và Đức dù đã nhiều lần hứa về điều này nhưng Moscow cũng đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt mới với Ukraine.

Thực tế là Nord Stream-2 hiện đã bảo đảm hầu như tất cả các giấy phép cần thiết cho việc xây dựng. Công nhân bắt đầu đặt các ống ra khỏi bờ biển Đức ở biển Baltic vào mùa xuân này.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-phat-nord-stream-2-co-khien-my-ban-duoc-lng-3362176/