Trừng phạt S-400, đồng minh 'đổ sập như domino': Mỹ quá sai lầm?

Bầu không khí trừng phạt S-400 hiện tại có nguy cơ khiến các thành viên NATO mới hơn bị ghẻ lạnh và làm liên minh suy yếu thêm.

Quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khiến các đồng minh NATO khác của Mỹ có lý do để lo ngại.

Quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khiến các đồng minh NATO khác của Mỹ có lý do để lo ngại.

Tiêu chuẩn kép

Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với của cơ quan mua sắm quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Một tuyên bố từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận các biện pháp đang được thực hiện theo mục 231 của Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt, hay còn gọi là CAATSA.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã cố gắng mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước nhưng đã bị từ chối nhiều lần trước khi lựa chọn trang bị S-400.

Những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên trầm trọng hơn sau khi Mỹ rút dàn tên lửa Patriot còn lại đóng dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria vào năm 2015, và sau đó là từ căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, để lại lỗ hổng trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với các chiến lược gia và nhà hoạch định chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu đảm bảo khả năng tên lửa tấn công và phòng thủ đầy đủ, hiệu quả là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh vùng lân cận địa chính trị đầy biến động.

Quan trọng hơn, tên lửa Patriot của Mỹ chủ yếu hoạt động như một nền tảng phòng thủ, trong khi hệ thống S400 hoạt động tốt hơn hệ thống Patriot cả về phòng thủ lẫn tấn công.

Dylan White, nhân viên báo chí của NATO, trả lời TRT World về lập trường của NATO đối với thương vụ S-400. Ông tái khẳng định quan điểm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng các quốc gia thành viên có quyền đưa ra quyết định mua sắm quân sự và khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh quan trọng của NATO - sẽ không bị tẩy chay vì đang tìm kiếm các giải pháp bảo vệ quốc gia.

Nói với TRT World, nhà phân tích độc lập Hassan Imran, lưu ý lập trường trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ sẽ đặt ra “tiêu chuẩn kép”, có nguy cơ khiến các đối tác NATO mới như Cộng hòa Séc, Romania, Bulgaria và Slovakia - những quốc gia đều sử dụng một loạt hệ thống vũ khí của Nga - phải đối mặt với các thách thức về khả năng tương tác hoặc về bảo mật hoạt động.

“Bầu không khí chính trị hiện tại có nguy cơ khiến các thành viên NATO mới hơn bị ghẻ lạnh và làm suy yếu thêm liên minh”, Imran đánh giá về quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó, một quốc gia thành viên NATO khác là Hy Lạp - gia nhập cộng đồng xuyên Đại Tây Dương cùng lúc với Thổ Nhĩ Kỳ - hiện đang sở hữu cả hệ thống phòng không tầm xa S-300 do Nga sản xuất và hệ thống phòng không MIM-104 Patriot của Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi về sự mâu thuẫn của Mỹ.

Ấn Độ theo sát tình hình

Ấn Độ mong chờ ông Biden sẽ không đảo ngược lập trường về S-400.

Với việc Ấn Độ chuẩn bị nhận lô hàng hệ thống phòng không S-400 vào đầu năm tới, New Delhi đang theo dõi sát sao các động thái của Washington. Mặc dù đã nhận được sự miễn trừ của chính quyền Trump sắp mãn nhiệm, Delhi hy vọng rằng chính quyền Biden sắp tới sẽ không làm việc theo hướng đảo ngược quyết định để tiếp tục trừng phạt nước này theo đạo luật CAATSA.

Ngoài ra, giới quan sát nhận định, việc Mỹ tiếp tục trừng phạt vì vấn đề S-400 đối với một đối tác quan trọng như Ấn Độ ở châu Á sẽ là tổn thất không nhỏ đối nước này.

Vài năm trở lại đây, Mỹ coi Ấn Độ là thị trường lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Trong một thập kỷ qua, giao dịch hai nước đã tăng từ mức 0 lên 15 tỷ USD đối với các hợp đồng mua bán vũ khí.

Kể từ năm 2008, Mỹ đã bỏ túi hơn 15 tỷ USD trong các hợp đồng mua bán vũ khí bao gồm máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130J, máy bay trinh sát hàng hải P-8 (I), lựu pháo hạng nhẹ M777, tên lửa Harpoon và trực thăng Apache, Chinook.

Trong khoảng thời gian từ 2013-14 đến 2015-16, Mỹ đã giành được 13 hợp đồng trị giá 4,4 tỷ USD. Cả về số lượng và giá trị hợp đồng, Mỹ đang dẫn trước các nhà cung cấp lớn khác. Tính theo tỷ lệ phần trăm, thị phần nhập khẩu vũ khí Mỹ của Ấn Độ chiếm 23% về số lượng hợp đồng và 54% về giá trị,

Ở hướng ngược lại, Ấn Độ hy vọng rằng Washington hiểu được các yêu cầu an ninh của New Delhi, đặc biệt là với một Trung Quốc thù địch dọc biên giới. Điều này càng quan trọng hơn khi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã ở trong tình thế đối đầu nhau hơn sáu tháng nay mà không có giải pháp nào trong tầm mắt.

Vào tháng 1 năm nay, một quan chức cấp cao của Mỹ đã nói rằng chính quyền không muốn đưa ra quyết định “làm suy giảm khả năng quốc phòng” của Ấn Độ - “đối tác quốc phòng lớn” của nước này. Quan chức này đề cập đến các biện pháp trừng phạt theo CAATSA, cấm các nước mua thiết bị quân sự quan trọng từ Nga.

Chính vì vậy, cách chính quyền Biden hành động đối với vấn đề S-400 cũng sẽ phản ánh mức độ đánh giá cao và thấu hiểu mối quan tâm của Ấn Độ đối với Trung Quốc, và liệu họ có hỗ trợ New Delhi chống lại người láng giềng hay không sẽ là câu hỏi được giải đáp trong thời gian tới.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hau-qua-trung-phat-s-400-do-sap-nhu-domino-my-nen-tinh-tao-hon-a499930.html