Trung Quốc 'âm thầm đặt hạn ngạch mua sắm' cho các công ty nhà nước

Chính phủ Trung Quốc đã âm thầm ban hành bản hướng dẫn mua sắm mới từ tháng 5/2021, dựng rào cản với hàng nhập khẩu và đi ngược lại các cam kết quốc tế.

Quốc kỳ Trung Quốc và Mỹ tại một gian hàng Hội chợ Quốc tế ở Thượng Hải ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP

Được biết, bộ tài liệu lưu hành nội bộ này đã được gửi tới hệ thống các bệnh viện và doanh nghiệp, cũng như những đơn vị nhập khẩu thuộc sở hữu nhà nước khác. Theo đó, văn bản đặt ra các yêu cầu về “nội địa hóa” từ 25% đến 100% đối với 315 mặt hàng, bao gồm thiết bị y tế, thiết bị radar trên mặt đất, máy móc xét nghiệm, dụng cụ quang học; vật dụng phục vụ chăn nuôi; các thiết bị đo địa chấn, và các thiết bị hàng hải, địa chất và địa vật lý.

Các nguồn tin Mỹ vừa tiết lộ, giới chức Trung Quốc đã âm thầm yêu cầu các doanh nghiệp trong nước “nội địa hóa” tới 100% đối với hàng trăm mặt hàng chiến lược, bao gồm cả máy X-quang và thiết bị chụp cộng hưởng từ, đồng thời dựng lên các rào cản mới đối với các nhà cung cấp nước ngoài.

Theo đó, bộ tài liệu mật này mang mã số 551 do liên Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp- Công nghệ Thông tin Trung Quốc ban hành ngày 14/5 với tiêu đề "Hướng dẫn kiểm toán đối với hoạt động mua sắm của chính phủ đối với các sản phẩm nhập khẩu". Một cựu quan chức chính phủ Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết, ông đã giành được một bản sao của danh mục 70 trang nội dung tài liệu mật này.

Theo vị cựu quan chức này, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước này đã cam kết không ban hành các loại tài liệu ban hành nội bộ như vậy. Ngoài ra, tài liệu kể trên cũng vi phạm tinh thần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một đã ký kết vào tháng 1 năm 2020. “Họ (Bắc Kinh) cần phải giảm bớt các rào cản chứ không phải tạo thêm những cái mới", vị này nói với Reuters.

“Hiện bộ tài liệu này vẫn chưa được Bắc Kinh phát hành công khai, trong khi cả Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp- Công nghệ Thông tin Trung Quốc đều không trả lời về các câu hỏi liên quan”, theo Reuters.

Sự vụ này được khui ra khiến nhiều nhà lập pháp và các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại về sự minh bạch của Bắc Kinh trong các vấn đề thương mại.

“Các văn bản hướng dẫn mới ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa, bao gồm cả thiết bị y tế, mà Bắc Kinh đã đồng ý mua nhiều hơn theo các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Ví dụ, thiết bị chụp cộng hưởng từ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các công ty Mỹ trước đây - sẽ phải đối mặt với rào cản mới”, cựu quan chức này cho biết.

Theo giới chuyên gia thương mại Mỹ, các quy tắc mang tính địa phương của Trung Quốc khác biệt với việc tăng cường "mua hàng Mỹ" theo đúng kế hoạch vì chúng không được công bố rộng rãi và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt hàng thiết bị y tế cũng như hàng hóa khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng 10 tới. Ảnh: RT

Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 124 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ vào năm 2020, phần lớn trong số đó được mua bởi các công ty nhà nước và liên kết với chính phủ bao trùm một loạt các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp và năng lượng.

Theo số liệu của hãng Fitch Solutions, xuất khẩu thiết bị y tế của Mỹ, như các công ty như Johnson & Johnson, GE và Abbott thực hiện đạt 47,5 tỷ USD trong năm 2018, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 4,5 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc đã giảm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018 và 2019, nhưng đã tăng trở lại sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết.

Doug Barry, phát ngôn viên của Hội đồng Thương mại Trung- Mỹ cho biết, các chuyên gia của cơ quan này cũng đã nghe nói về tài liệu này, nhưng chưa có được bản sao nào trong tay. Hội đồng cho biết, đang hối thúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden hoàn tất việc đánh giá lại các chính sách thương mại Mỹ-Trung và nêu ra những quan ngại của họ khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau vào tháng 10 tới.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cơ quan đang xem xét các chính sách thương mại Mỹ - Trung, từ chối bình luận về bản tài liệu của Trung Quốc hoặc liệu nó có vi phạm thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung hay không.

“Bản chất không công khai các văn bản lưu hành nội bộ cũng có nghĩa là chính phủ Trung Quốc có thể ‘giảm bớt tầm quan trọng của chúng’ vì nó không được công khai và chỉ được lưu hành thông qua các công ty, hiệp hội...", một nghị sỹ quốc hội Mỹ cho hay.

Theo giới phân tích, các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới của Bắc Kinh cũng có thể khiến Trung Quốc khó lòng bù đắp những điểm đã mất trong việc đáp ứng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ theo thỏa thuận giữa hai nền kinh tế. Chad Bown, chuyên gia Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, với 3/4 chặng đường đã qua, Trung Quốc cần phải xúc tiến mua hơn 60% lượng hàng hóa cần thiết để đạt được mục tiêu.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trung-quoc-am-tham-dat-han-ngach-mua-sam-cho-cac-cong-ty-nha-nuoc-d298977.html