Trung Quốc bảo hộ mậu dịch

(TBKTSG Online) – Việc Bắc Kinh chuyển đến các chính quyền địa phương khẩu hiệu “hãy mua hàng Trung Quốc” đang gây nên lo ngại sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những biện pháp trả đũa.

Tấn Lộc Quặng mỏ là nguồn nguyên liệu mà Trung Quốc phải đảm bảo an ninh để phục vụ tăng trưởng kinh tế. Dù lãnh đạo cao nhất Trung Quốc từng cùng với những người tương nhiệm ở Brazil, Nga và Ấn Độ kêu gọi loại trừ chính sách bảo hộ, nhưng nhiều cơ quan bộ của đất nước đông dân nhất thế giới này đã làm cho mọi người hiểu rằng số tiền 586 tỉ đô la Mỹ mà chính phủ chi ra để kích thích kinh tế phải ưu tiên mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp trong nước. Theo Breakingviews.com, một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới đang bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng nên tránh gây hiềm khích thương mại. Nếu ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Năm 1998, thời điểm Trung Quốc tiến hành biện pháp kích thích kinh tế gần đây nhất, nhập khẩu đã tăng 18 và 36% trong hai năm tiếp theo. Lần này, hơn một phần ba dự án đầu tư của nhà nước liên quan đến các mạng lưới đường sắt, đường bộ, sân bay và mạng lưới phân phối điện, tức những lĩnh vực ngốn mạnh công nghệ và thiết bị ngoại nhập. Nhưng các công ty nước ngoài đã bị loại khỏi những vụ đấu thầu cung cấp thiết bị điện gió hoặc tuyến đường xe lửa cao tốc, do các dự án này có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Mỹ từng rút ra những bài học xương máu về việc bảo hộ trong những năm 1930, khi chính phủ đạt được mục tiêu ngắn hạn trong việc bảo vệ các ngành nghề trong nước và tạo công ăn việc làm. Nhưng khi các nước khác bắt đầu trả đũa, thất nghiệp ở Mỹ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc hiện cũng giống Mỹ vào thời kỳ đó nên người ta e rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này lại sẽ gặp hệ quả tương tự. Nhưng rất may là ngày nay, không dễ đơn giản bỏ qua các doanh nghiệp nước ngoài. Tăng trưởng nhập khẩu Trung Quốc gắn liền với việc mua hàng hóa và nguyên liệu mà Trung Quốc không thể sản xuất với khối lượng đủ lớn, như dầu, sắt, đồng và nhôm. Ngoài ra, chính phủ trung ương cũng không thể giám sát tất cả. Lệnh điều hành đưa ra ở cấp địa phương. Giới thân cận chuyện thủ tục gọi thầu cho biết không có cơ sở dữ liệu nào thống kê những nhà cung cấp được chọn cho từng công trình. Mỗi thành phố tự thực hiện theo ý mình và phương pháp rất khác nhau. Hiện Ấn Độ và Mỹ đang chuẩn bị kiện Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh trong những lĩnh vực nhạy cảm như sắt thép và vỏ ruột xe.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thegioi/ghinhan/20327/