Trung Quốc biến châu Phi thành 'công xưởng mới của thế giới' như thế nào?

Với sự trợ lực kinh tế từ Trung Quốc, châu Phi không lâu nữa sẽ trở thành một 'công xưởng mới' của thế giới.

Công nhân Trung Quốc tại lễ khởi công xây dựng đường sắt nối Addis Ababa tới Djibouti năm 2016. Ảnh: AFP

Trong cuốn sách có tựa đề "The Next Factory of the World" (Nhà máy mới của thế giới) vừa xuất bản, tác giả Irene Yuan Sun khẳng định Trung Quốc đang có tham vọng biến châu Phi thành một “công xưởng toàn cầu” bằng loạt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng, sân bay, nhà máy điện…

Cuốn sách cũng tiết lộ Bắc Kinh đã chia sẻ kinh nghiệm và các phương thức tốt nhất cho các quốc gia châu Phi, nhằm biến mỗi quốc gia nơi đây thành một công xưởng sản xuất nhỏ.

Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RAIC), Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của các quốc gia châu Phi kể từ năm 2009. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia "lục địa đen" đã tăng 10 lần trong thập kỷ qua và có thể đạt 300 tỷ USD trong năm nay, so với 30 tỷ USD cách đây 10 năm.

Năm 2017, Trung Quốc dẫn đầu các nước cho châu Phi vay vốn với tổng số tiền vượt 100 tỷ USD. Các đối tác chính của Bắc Kinh trong khu vực nhận được nguồn đầu tư bao gồm Ai Cập, Nigeria, Algeria, Nam Phi, Ethiopia, Angola, Niger, Cameroon, Chad… Khi đề cập đến các dự án phát triển châu Phi, truyền thông Trung Quốc cũng thường xuyên nhấn mạnh quy tắc không can thiệp như “kim chỉ nam” trong chính sách của Bắc Kinh.

Giới quan sát lấy Quỹ Phát triển Trung Quốc – châu Phi (CAD) làm ví dụ điển hình. CAD do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc của nhà nước được thành lập từ năm 2006.

Không giống như các cơ quan viện trợ khác, thay vì cung cấp khoản vay, quỹ này lại đầu tư trực tiếp vào các dự án mà các công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc hợp tác triển khai tại châu Phi.

Trong suốt 10 năm qua, quỹ này đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào 91 dự án tại 36 quốc gia châu Phi. Theo số liệu 2017, những nước này trong 1 năm sản xuất được 11.000 xe tải, 300.000 chiếc điều hòa, 540.000 tủ lạnh, 390.000 TV và 1,6 triệu tấn xi măng trong khuôn khổ sáng kiến của CAD.

Mặc dù quỹ CAD không công bố số liệu các dự án cụ thể, song Hội đồng RIAC cho rằng quỹ này đã đầu tư vào các dự án xây dựng cở sở hạ tầng và năng lượng, sản xuất công nghiệp, khai thác chế biến tài nguyên thiên niên và nông nghiệp.

Cũng trong 10 năm qua, Trung Quốc đã giúp châu Phi mở 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động. Hơn 5.756 km đường sắt, 9 cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện và hơn 1.000 nhà máy thủy điện đã được hoàn thành vào cuối năm 2016, dưới sự trợ giúp của Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Nikolai Shcherbakov đang làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học Nga (RAS) nhận xét: “Khá mạo hiểm khi đầu tư bất kỳ dây chuyền sản xuất nào ở châu Phi, bao gồm cả việc xây dựng đường ray tàu hỏa, song Trung Quốc đang cho thấy họ chấp nhận mạo hiểm”.

Điều đó đã khiến cho Trung Quốc trở thành “món quà từ thiên đường” ban xuống cho châu Phi, nhà phân tích này đánh giá.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-bien-chau-phi-thanh-cong-xuong-moi-cua-the-gioi-nhu-the-nao-20180531152515387.htm