Trung Quốc cấm Micron: Các 'ông lớn' chip Hàn Quốc liệu có hưởng lợi?

Động thái mới đây của Trung Quốc liên quan tới việc cấm 'ông lớn' Mỹ Micron cung cấp chip cho các công ty của Bắc Kinh đã dành được nhiều sự quan tâm trong cộng đồng sản xuất chip thế giới nói chung và các nhà sản xuất cạnh tranh với Micron tại Mỹ và Hàn Quốc nói riêng.

 Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm với nhà sản xuất chip Micron vào cuối tuần trước.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm với nhà sản xuất chip Micron vào cuối tuần trước.

Theo quyết định được đưa ra cuối tuần trước bởi Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), nhà sản xuất chip Mỹ Micron đã không đủ điều kiện vượt qua cuộc điều tra an ninh mạng vì các sản phẩm của công ty gây ra "rủi ro bảo mật" cho Trung Quốc.

"Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc", CAC cho biết.

Mặc dù CAC không cung cấp thông tin chi tiết về các rủi ro và các sản phẩm bị cho là "mối đe dọa", nhưng cơ quan này cho biết các nhà điều hành "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" của nhà nước Trung Quốc sẽ được yêu cầu ngừng mua sắm từ Micron. Theo định nghĩa rộng về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc, các lĩnh vực có thể bao gồm từ viễn thông đến tài chính.

Hạn chế mới nhất của Bắc Kinh đối với công ty Mỹ được coi là hành động "thêm dầu vào lửa" với mối quan hệ vẫn đang căng thẳng giữa 2 quốc gia. Đây có thể là tiền đề để Bắc Kinh trừng phạt hàng loạt nhà sản xuất chip khác có nguồn gốc từ Mỹ.

Các chuyên gia dự đoán động thái của Bắc Kinh có thể hạn chế nguồn cung cấp chip trong nước và bóp nghẹt thị trường thiết bị tiêu dùng. Đồng thời, nó cũng có thể tạo cơ hội cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc như YMTC mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người cho rằng động thái mới từ Bắc Kinh khiến các nhà sản xuất Mỹ "đứng ngồi không yên" nhưng sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho các nhà sản xuất lớn từ Hàn Quốc như Samsung, SK hynix - cũng là đối thủ lớn của Micron, thì thực tế lại không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Theo các nhà quan sát trong ngành, mặc dù lệnh hạn chế của Trung Quốc không nhắm vào các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, nhưng việc này có thể sẽ khiến Samsung hay SK rơi vào tình thế khó khăn trong việc cân bằng giữa 2 khách hàng lớn là Trung Quốc và Mỹ.

Dựa trên các dữ liệu ước tính, Bắc Kinh và Washington chiếm tỷ trọng doanh số gần như tương đương nhau trong tổng doanh số của Samsung Electronics. Hai quốc gia này cũng là khách hàng lớn của SK hynix, với Mỹ chiếm 50%, còn Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán hàng của công ty.

Điều duy nhất có thể khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc thở phào, là Bắc Kinh gần như không thể áp đặt hạn chế lên các công ty này vì họ sẽ bị thiếu nguồn cung bán dẫn. Tuy nhiên, việc đình chỉ hoạt động của Micron có thể sẽ không làm tăng doanh số bán chip của Hàn Quốc tại Trung Quốc do áp lực từ Mỹ.

Theo nhiều nguồn tin, sau khi Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với Micron vào tháng 4, Washington được cho là đã yêu cầu chính phủ Hàn Quốc ngừng cung cấp lượng chip thiếu hụt cho Trung Quốc trong trường hợp nhà sản xuất của Mỹ bị cấm bán chip.

Samsung Electronics, nhà sản xuất chip DRAM số 1 thế giới, sản xuất khoảng 40% tổng số chip flash NAND của mình tại Tây An, Trung Quốc. SK hynix, công ty đứng thứ 2 thế giới trên thị trường DRAM, cũng có các cơ sở sản xuất chính ở Vô Tích. Công ty hiện sản xuất 40% chip DRAM ở Vô Tích và tạo ra 20% flash NAND ở Đại Liên.

Minh Ý

Theo Korea Herald

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-cam-micron-cac-ong-lon-chip-han-quoc-lieu-co-huong-loi-20180504224284700.htm