Trung Quốc chỉ thị ngành dầu khí chuẩn bị cho chiến tranh thương mại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu Công ty dầu mỏ quốc gia (CNPC) và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi (CNOOC) phải tăng sản lượng dầu và khí đốt khai thác trong nước, theo thông báo ngày 9/8 của hai đơn vị này.

Một kho LNG của CNOOC

Bảo đảm an ninh năng lượng

Theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, các công ty dầu khí Trung Quốc phải tăng sản lượng hydrocarbon để tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

CNPC thông báo sẽ nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập, tập trung phát triển sản xuất dầu và khí đốt ở các vùng trọng điểm. CNPC cũng hứa sẽ thực hiện các biện pháp mang tính cách mạng để tăng trưởng sản xuất bền vững.

CNOOC với địa bàn hoạt động là thềm lục địa cũng công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp tối ưu để đạt được mục tiêu tăng sản lượng dầu khí. Ngoài ra, CNOOC còn dự định mở rộng thăm dò, bao gồm cả thăm dò ở những vùng biển nước sâu. CNOOC hứa sẵn sàng hành động táo bạo, kiên quyết, không bỏ lỡ cơ hội chiến lược mới để phát triển nhanh và mạnh.

"Ăn miếng trả miếng"

Do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguồn năng lượng, Trung Quốc rất dễ bị tổn thương trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.

Mỹ đã công bố quyết định tăng thuế đối với một loạt các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kể từ ngày 6/7/2018, Mỹ đã áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đã đáp trả một cách tương xứng. Và những pha “ăn miếng trả miếng” như thế vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần đây, Mỹ đã công bố tăng khối lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc phải chịu thuế 25%, cụ thể là từ ngày 23/8/2018 sẽ có 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế này.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, hứa hẹn cũng sẽ áp mức thuế 25% lên khoảng 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hứa sẽ áp dụng thuế suất 25% đối với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ nếu Mỹ tiếp tục leo thang xung đột thương mại.

Lá bài LNG

LNG là một lá bài quan trọng. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 37,89 triệu tấn LNG, tăng hơn 48,37% so với năm 2016.

Năm 2018, nhịp độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì và Trung Quốc có thể sẽ vượt Nhật Bản về khối lượng LNG nhập khẩu.

Đây là yếu tố quan trọng trong việc lên kế hoạch cho các dự án LNG trong tương lai ở Mỹ.

Trong nửa đầu năm 2018, Mỹ đã xuất sang Trung Quốc lượng LNG nhiều gấp 3,6 lần so với nửa đầu năm 2017.

Được biết, thị trường Trung Quốc chiếm 13% khối lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Nhưng tình hình đang thay đổi và trong tháng 7/2018, nguồn cung LNG từ Mỹ đến Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 130 nghìn tấn.

Trung Quốc ngày càng hướng sự chú ý đến các nhà cung cấp LNG khác như Nga, Úc, Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea.

“Tích cốc phòng cơ”

Một yếu tố nữa cũng được coi là rất quan trọng và đang được đưa ra xem xét, đó là việc chuẩn bị cho mùa sưởi ấm sắp tới.

Trung Quốc không muốn tái diễn vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt sưởi ấm từng xảy ra trong mùa đông 2017-2018. Do đó, Trung Quốc đang xây dựng mới và mở rộng các kho trữ LNG hiện có, đồng thời cũng tích cực chuẩn bị những kho lưu trữ khí ngầm dưới lòng đất (UGS).

Hiện tại, Trung Quốc có 25 cơ sở UGS với tổng dung tích thiết kế là 41,5 tỷ m3. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, đến năm 2030 con số này sẽ tăng thêm 35 tỷ m3.

Mới đây, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã công bố việc xây dựng các cơ sở lưu trữ khí ngầm ở tỉnh Hà Nam để ngăn chặn sự thiếu hụt nguồn cung cấp khí vào mùa đông.

Các mỏ dầu và khí đốt đã khai thác cạn kiệt, bao gồm cả mỏ Zhongyuan nổi tiếng một thời, sẽ được cải tạo thành những UGS đáng tin cậy. Cơ sở UGS sử dụng mỏ cũ Zhongyuan sẽ bao gồm 16 khoang chứa, với dung tích thiết kế 55,6 tỷ m3. Sinopec có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở thêm 5 cơ sở UGS tại tỉnh Hà Nam.

Nhưng các UGS, kho chứa LNG mới xây dựng và những đường ống dẫn khí, bao gồm cả tuyến ống “Sức mạnh Siberia-1” của Nga là vấn đề của tương lai, còn hiện tại Trung Quốc đang phải tập trung chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Và nếu không tích trữ đủ lượng khí dự trữ cần thiết và không tìm được các nhà cung cấp thay thế có khả năng cung cấp đủ lượng khí cần thiết, Trung Quốc sẽ phải làm dịu thái độ của mình đối với nguồn LNG từ Mỹ.

Giảm mua dầu của Mỹ

Vào đầu tháng 8/2018, Sinopec đã tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ, lý do cũng là vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Thời hạn chính xác của việc tạm ngưng nhập khẩu là không rõ, nhưng Sinopec đã không đặt các đơn hàng dầu mới cho đến ít nhất là tháng 10/2018.

Trước đó, Sinopec thông báo rằng vào cuối năm 2018, họ có kế hoạch tổ chức mua dầu từ Mỹ với khối lượng lên tới 300 nghìn thùng/ngày, gấp 3 lần so với năm 2017.

Các nhà nhập khẩu dầu mỏ khác của Trung Quốc cũng đã bắt đầu quá trình giảm mua hàng từ Mỹ.

Các vấn đề liên quan tới Iran

Ngoài những rắc rối thương mại và LNG nói trên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ còn gặp phải một vướng mắc nữa liên quan đến Iran.

Được biết, vào ngày 6/8/2018, Hoa Kỳ đã khôi phục một phần các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, trong đó có gói trừng phạt bao gồm các biện pháp cấm vận nhắm vào ngành năng lượng Iran và các giao dịch dầu mỏ của nước này, sẽ được thực hiện từ ngày 5/11/2018.

Trung Quốc là khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất của Iran, chiếm hơn 25% lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Mỹ yêu cầu các đồng minh và kêu gọi các nước không phải đồng minh của Mỹ ngừng mua dầu Iran từ ngày 4/11/2018, nhưng Trung Quốc rõ ràng không có ý định làm theo ý muốn của Hoa Kỳ. Trước đó thậm chí còn có những tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tăng cường mua dầu từ Iran, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng để có được lời hứa từ chính quyền Trung Quốc là sẽ không tăng lượng dầu mua từ Iran.

Bá Thủy

Theo RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-chi-thi-nganh-dau-khi-chuan-bi-cho-chien-tranh-thuong-mai-511143.html