Trung Quốc chùn tay trong nỗ lực kích thích kinh tế

Lo ngại khối nợ gia tăng, gây rủi ro cho hệ thống tài chính, Bắc Kinh chỉ tung ra các biện pháp kích thích kinh tế ở mức thận trọng dù tăng trưởng đang trì trệ, theo tờ The Wall Street Journal.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm dần đều qua 4 quí của năm 2018. Ảnh: CGTN

Không còn các gói kích thích khổng lồ

Vào mùa thu năm ngoái, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm mạnh do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và các căng thẳng thương mại với Mỹ, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tìm cách vực dậy niềm tin.

“Mùa xuân không còn xa”, ông Liu Shiyu, Chủ tịch CSRC nói với các nhà đầu tư chứng khoán và lãnh đạo các công ty đầu tư cổ phần tư nhân hồi tháng 10.

Tuy nhiên, kể từ đó, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc vẫn ảm đạm và rõ ràng, dù các căng thẳng thương mại với Washington có thể lắng dịu, một mùa đông dài đang ập đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, dù vẫn ở mức cao nếu so với tiêu chuẩn của một số nước khác, đã chậm lại và rơi về mức chưa từng thấy trong hơn 1/4 thế kỷ.

Hôm 21-1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,4% trong quí cuối năm 2018, kéo tăng trưởng cả năm xuống còn 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thậm chí sẽ chậm hơn trong năm nay, rơi về mức khoảng 6-6,3%.

Có một lý do lớn khiến các nhà kinh tế tin rằng triển vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục ảm đạm trong năm 2019: Bắc Kinh đang ứng phó với sự suy giảm tăng trưởng lần này khác hẳn so với lần gần đây. Trung Quốc không tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ giống như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Năm 2008, Bắc Kinh đã triển khai gói chi tiêu lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ (580 tỉ đô la), tương đương khoảng 13% GDP của Trung Quốc vào lúc đó, để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và các dự án khác với mục tiêu ngăn ngừa nạn thất nghiệp xảy ra trên diện rộng và củng cố tăng trưởng.

Lần này, giới lãnh đạo Trung Quốc hành động thận trọng hơn, áp dụng cách tiếp cận dần dần khi nới lỏng tài chính và tiền tệ, đoạn tuyệt với kiểu kích thích ồ ạt, tức triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Lo ngại khối nợ tăng cao

Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng họ không còn nhiều sự lựa chọn kích thích kinh tế. Gói kích khích khổng lồ vào năm 2008 bao gồm các chính sách nới lỏng tín dụng và tăng cường mức chi tiêu của chính phủ đã đẩy mạnh tăng trưởng nhưng lại khiến nền kinh tế gánh khối nợ lớn, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương và các công ty nhà nước. Mức nợ hiện tại của Trung Quốc, ước tính cao hơn 250% GDP của nước này là quá cao, theo nhận định của một cố vấn cấp cao giấu tên của chính phủ Trung Quốc.

Nhiều công ty tài chính của các chính quyền địa phương đang chật vật trả các khoản nợ tích lũy trong những năm gần đây nhằm xây dựng đường cao tốc, sân bay và các dự án khác. Một trong những công ty lâm vào tình cảnh đó là Công ty đầu tư thành phố Hàn Thành ở tỉnh Thiểm Tây. Năm 2017, công ty này huy động 300 triệu nhân nhân tệ (43,5 triệu đô la) bằng cách bán các sản phẩm đầu tư có mức lãi suất cao cho các nhà đầu tư tư nhân để có vốn triển khai các dự án đưa Hàn Thành trở thành một điểm thu hút du lịch. Khi đến hạn trả nợ 200 triệu nhân dân tệ vào tháng 11 năm ngoái, công ty này cho biết đang làm việc với các nhà đầu tư giãn một số khoản nợ.

Ngoài ra, kết cục khó đoán định của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng “trói tay” giới lãnh đạo Trung Quốc ít nhất vào thời điểm này. Các cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần để dành một số biện pháp kích thích kinh tế trong trường hợp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạt được thỏa thuận giải quyết các bất đồng thương mại và quay trở lại cuộc chiến áp thuế vào hàng hóa của nhau.

“Trung Quốc nên chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất”, Wang Yiming, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, một tổ chức tư vấn của chính phủ Trung Quốc, nói. Ông Yiming cho rằng nếu Nhà Trắng thực hiện các đe dọa thương mại chống Bắc Kinh, GDP của Trung Quốc có thể bị tổn thất đến 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Trong khi các gói kích thích kinh tế khổng lồ không còn được xem xét, trong những tháng gần đây Bắc Kinh đã triển khai các công cụ khác trong nỗ lực kìm hãm đà suy giảm tăng trưởng. Bắc Kinh đã đảo ngược chiến dịch khống chế tăng trưởng nợ và cho phép các ngân hàng cho vay dễ dàng hơn. Dù vậy, các ngân hàng vẫn ngại giải ngân các khoản vay, đặc biệt là dành cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vì các khoản nợ xấu của họ đang gia tăng.

Chính quyền trung ương cũng đã thôi đôn đốc yêu cầu các chính quyền địa phương hạn chế chi tiêu, thay vào đó, hối thúc họ đẩy nhanh các dự án đầu tư. Giới chức trách Trung Quốc đã triển khai nhiều đợt cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lẫn người dân để thúc đẩy chi tiêu. Song cho đến nay, các dữ liệu chính thức cho thấy cơn suy giảm kinh tế đang lan rộng ở Trung Quốc, ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng công nghiệp, đơn hàng của các nhà máy và thị trường bất động sản. Người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt hầu bao và tâm lý bi quan đang bao trùm khu vực kinh tế tư nhân.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ không để tăng trưởng giảm quá sâu và quá nhanh vì năm 2020 là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc. Nhà phân tích Chen Long ở Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Hồng Kông, nhận định: “Mục tiêu tổng thể của chính phủ Trung Quốc sẽ không phải là đẩy nhanh tăng trưởng mà là kìm hãm đà suy giảm kinh tế”.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284504/trung-quoc-chun-tay-trong-no-luc-kich-thich-kinh-te.html