Trung Quốc chuyển hướng chiến lược, dùng Triều Tiên đối phó Mỹ

Trong bài viết trên Korea Times, Tiến sĩ Lee Seong Hyon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Sejong, nhận định về sự chuyển hướng chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.

Tuần trước, mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên có một sự phát triển thú vị. Ông Tập Cận Bình bắt đầu sử dụng Triều Tiên như lá bài đàm phán chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Trong bốn hội nghị thượng đỉnh trước đây giữa ông Tập và ông Kim Jong Un, ông Kim đã sử dụng Trung Quốc làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Lần này, Trung Quốc lại sử dụng Triều Tiên trong các thỏa thuận với Washington. Đây là sự thay đổi mô hình quan trọng trong chiến lược khu vực của Trung Quốc.

Bước đi khôn ngoan hay hành động gây rối

Trước hết, chuyến thăm của ông Tập tới Triều Tiên không phải là về phi hạt nhân hóa, mà là về Mỹ. Trung Quốc thực hiện chuyến thăm đúng một tuần trước cuộc gặp dự kiến của ông Tập với ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.

Ông Tập muốn bảo đảm đòn bẩy đàm phán với ông Trump, bằng cách nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Trung Quốc để chỉ đạo vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Washington cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Phi hạt nhân hóa Triều Tiên là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Tiến sĩ Lee Seong Hyon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong.

Nhìn bề ngoài, đó là động thái khôn ngoan vì ngay sau thông báo của Trung Quốc về chuyến thăm, ông Trump đã gọi cho ông Tập. Đó là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Tập với ông Trump trong năm nay. Ông Tập rõ ràng đã thu hút sự chú ý của ông Trump với chuyến thăm.

Nhưng không rõ liệu Washington có đánh giá cao động thái của ông Tập hay không. Thời điểm đột ngột của chuyến thăm của ông Tập có thể được coi là cơ hội.

Chính quyền Trump đã lên một loạt lịch trình ngoại giao liên quan tới Triều Tiên trong tháng này. Sau hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump sẽ tới Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Đặc phái viên của chính phủ Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen Biegun, đã có mặt tại Seoul trong tuần để chuẩn bị cho việc nối lại các cuộc đàm phán.

Động thái của Trung Quốc, theo nghĩa này, có thể được coi là gây rối. Đó là trường hợp đặc biệt nếu chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập không được phối hợp trước với Washington.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Singapore năm ngoái, một chính sách đặc trưng của chính quyền Trump trong đối phó với Triều Tiên là không cần trung gian.

Sự bất mãn của Washington thể hiện trong danh sách đen của các công ty công nghệ Trung Quốc bổ sung, chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập.

Thứ hai, chuyến đi của ông Tập đến Triều Tiên là một chiến thuật đánh lạc hướng tuyệt vời, chuyển sự chú ý của quốc tế và trong nước khỏi Hong Kong. Việc đình chỉ dự luật, dưới các cuộc biểu tình dân sự lớn, để dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc là sự đảo ngược chính trị lớn nhất trong những năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình.

Thứ ba, và quan trọng nhất, việc ông Tập sử dụng "lá bài Triều Tiên" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy, kể từ bây giờ, vấn đề Triều Tiên có thể trở thành một lĩnh vực cạnh tranh, không phải hợp tác, giữa Washington và Bắc Kinh.

Đòn bẩy Triều Tiên trong cuộc chiến Mỹ - Trung

Trước đây, Trung Quốc có cách tiếp cận "hai đường", tách vấn đề Triều Tiên khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng khi mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc và khi cả hai bên ngày càng coi cuộc chiến thương mại là một phần của cuộc chiến cạnh tranh lớn cho sự lãnh đạo toàn cầu, Trung Quốc có thể bắt đầu liên kết hai bên để củng cố vị thế của mình.

Trong nhiều năm, Mỹ và Trung Quốc đã sử dụng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để hợp lý hóa nhu cầu hợp tác của họ, nhấn mạnh điểm chung của họ về an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Nó cũng được xem như một lý do tốt cho hai bên gặp nhau.

Phi hạt nhân hóa là một chủ đề mà họ đồng thuận, trong khi bất đồng ở hầu hết lĩnh vực khác, bao gồm Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, nhân quyền, tự do tôn giáo, Huawei và an ninh mạng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bày tỏ ý định duy trì quan hệ gần gũi hơn. Ảnh: AFP/KCNA.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Trung Quốc có một khu vực xung đột: Đài Loan. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, có hai khu vực xung đột: Đài Loan và Biển Đông. Bây giờ, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, chúng ta bắt đầu thấy ba lĩnh vực xung đột: Đài Loan, Biển Đông và Triều Tiên.

Kết hợp lại với nhau, tình hình cạnh tranh sâu sắc về cấu trúc hiện nay sẽ thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc coi vấn đề Triều Tiên là một phần trong những lợi ích hay tổn thất chiến lược khu vực của họ trong ván cờ địa chính trị.

Nói cách khác, vấn đề Triều Tiên đang trở thành một cấu trúc phụ trong cấu trúc cạnh tranh lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chắc chắn, điều này gợi nhắc một cách kỳ lạ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đối với Seoul, điều đó có nghĩa là vấn đề Triều Tiên sẽ trở thành một thách thức phức tạp và lộn xộn hơn nhiều so với trước đây. Chắc chắn, đây là thời gian đặc biệt với Hàn Quốc, cần tới sự khôn ngoan đặc biệt.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-chuyen-huong-chien-luoc-dung-trieu-tien-doi-pho-my-post960579.html