Trung Quốc có gì làm 'vũ khí' trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Trong một tuần lễ chóng mặt khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đe dọa áp thuế lẫn nhau, Bắc Kinh khẳng định rằng họ đã sẵn sàng chiến đấu 'tới cùng'.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G20 tổ chức ở Hamburg, Đức hồi tháng 7.2017 - Ảnh: Reuters

Theo CNN, Tổng thống Donald Trump hôm 5.4 nói sẽ đánh thuế lên tới 100 tỉ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc. Ngay sau đó Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo rằng họ sẵn sàng áp dụng “các biện pháp tương xứng” để đối phó.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề, đó là nước này vận chuyển nhiều hàng hóa đến Mỹ (khoảng 505 tỉ USD trong năm ngoái) hơn là chiều ngược lại (khoảng 130 tỉ USD). Điều đó giúp chính quyền ông Trump có nhiều loại mặt hàng hơn để nhắm mục tiêu đánh thuế.

Theo CNN, ông Alex Wolf, chuyên gia kinh tế về các thị trường đang nổi của quỹ Aberdeen Standard Investments, nói rằng nếu Trung Quốc “cố gắng đáp trả bằng hàng hóa, thì họ sẽ không có đủ số lượng hàng Mỹ để áp thuế”. Bắc Kinh đầu tuần này đã thông báo mức thuế quan mới, với giá trị hàng hóa khoảng 50 tỉ USD, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Mỹ, bao gồm máy bay, ô tô và đậu nành.

Larry Hu, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Macquarie, cho biết ngoài biện pháp nói trên, vẫn còn nhiều lựa chọn để Trung Quốc đối phó với Mỹ. Ví dụ như việc nhắm mục tiêu vào thương mại dịch vụ và giáo dục giữa hai nước chứ không phải các sản phẩm vật chất.

Cản trở du lịch

Theo ngân hàng đầu tư Nomura, hơn một nửa số thặng dư trị giá 39 tỉ USD giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực các ngành dịch vụ đến từ chi tiêu của người Trung Quốc dành cho du lịch và du học Mỹ.

Bắc Kinh gần đây có tiếng về việc sử dụng du lịch như vũ khí kinh tế. Năm ngoái, để phản ứng trước việc Seoul đồng ý triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã ''bóp nghẹt'' nền kinh tế Hàn Quốc bằng một loạt các biện pháp, bao gồm đưa ra một lệnh không chính thức cấm các công ty du lịch trong nước bán tour du lịch tới Hàn Quốc. Kết quả là lượng khách Đại lục tới nước láng giềng giảm một nửa chỉ trong vòng một tháng, khiến nhiều khách sạn, cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc, cũng như các doanh nghiệp liên quan khác bị thiệt hại không ít.

Gây áp lực lên các công ty Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc

Bắc Kinh cũng có thể dùng lại phương cách mà họ đã thực hiện với Hàn Quốc để áp dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đó là làm cho hoạt động kinh doanh của các công ty Mỹ ở Đại lục gặp nhiều khó khăn hơn. Trong thời gian căng thẳng với Hàn Quốc, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục của hàng Lotte, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc đã đồng ý đổi đất để Seoul triển khai THAAD. Doanh số bán ô tô của Hyundai và Kia cũng giảm mạnh tại Trung Quốc do các phương tiện truyền thông nhà nước thúc đẩy làn sóng tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc.

Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang, một số chuyên gia cho rằng các công ty Mỹ đang kinh doanh ở thị trường đông dân nhất thế giới sẽ gặp rủi ro lớn. Đại lục là thị trường khổng lồ cho những thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Apple và Starbucks. Trong khi đó rất ít công ty Trung Quốc có hoạt động lớn tại Mỹ.

Song, ở một mức độ nào đó, bước đi này cũng có thể gây ra hậu quả cho nền kinh tế Trung Quốc vì một số lượng lớn người lao động nước này đang làm việc trong các nhà máy lắp ráp sản phẩm của Apple, hoặc trong các cửa hàng của Starbucks trên toàn quốc.

Giảm mua nợ Mỹ

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, sở hữu khoảng 1.170 tỉ USD giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ. Một báo cáo của Bloomberg hồi tháng 1.2018 đã làm rối tung thị trường khi nói Bắc Kinh đang cân nhắc cắt giảm mua nợ Mỹ, chỉ ra căng thẳng thương mại là một trong những lý do.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Trung Quốc đi theo hướng này, Washington sẽ phải tìm người mua nợ thay thế. Điều đó sẽ thúc đẩy việc gia tăng lãi suất và tăng chi phí phục vụ nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia cách này về lý thuyết quá nguy hiểm để xem xét vì nó cũng có khả năng ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu kho bạc Trung Quốc và thậm chí gây bất ổn cho đồng nhân dân tệ trong mối tương quan với đồng USD.

Phương Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/trung-quoc-co-gi-lam-vu-khi-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-950160.html