Trung Quốc còn nước cờ nào để đối phó Mỹ?

Nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc không đủ sức để chạy đua áp thuế trả đũa Mỹ mà buộc phải sử dụng đến các nước cờ khác, theo tạp chí The Diplomat.

Trung Quốc vẫn còn nhiều nước cờ để đối phó Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Ảnh: calvinayre.com

Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang diễn ra theo kiểu ăn miếng trả miếng. Sau khi Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm hôm 6-7 thì Trung Quốc cũng đáp lại với quy mô tương ứng. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% cho thêm 16 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc trong hai tuần tới và còn đe dọa xem xét áp thuế 10% cho 200 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc nữa. Nếu Trump hiện thực hóa lời đe đọa đó, Trung Quốc sẽ không thể chạy đua trả theo giá trị hàng hóa áp thuế vì năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc chỉ là 130 tỉ đô, trong khi đó, Trung Quốc bán sang Mỹ đến 506 tỉ đô la hàng hóa.

Đó là lý do trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 22-6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ bằng “các biện pháp định lượng và định tính”. Ý nghĩa của “định lượng” trong ngữ cảnh này là: tăng thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa Mỹ ở mức cao hơn so mức thuế mà Mỹ áp cho hàng hóa Trung Quốc hoặc đặt ra hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ.

Để hiểu được các biện pháp định tính trong một cuộc chiến tranh thương mại, có thể nhìn lại năm công cụ đe dọa kinh tế mà Trung Quốc sử dụng trong năm gần đây.

Kéo dài thủ tục thông quan

Công cụ thứ nhất là kéo dài các thủ tục thông quan nhằm vào hàng hóa Mỹ. Bắc Kinh có thể chỉ đạo các quan chức hải quan tăng cường các biện pháp kiểm dịch động thực vật khiến hàng hóa Mỹ bị “ngâm” lâu tại các cảng, dẫn đến những chi phí phát sinh tốn kém. Các quan chức hải quan Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm về chiến thuật “ngâm hàng” này bao gồm cá hồi Na Uy vào năm 2010 và chuối của Philippines vào năm 2012, khi hai nước này có những tranh chấp với với Bắc Kinh. Hồi tháng 5, tờ The Wall Street Journal cho biết, ô tô của hãng Ford và nhiều loại trái cây nằm trong số nhiều mặt hàng của Mỹ bị kẹt ứ tại các cảng ở Trung Quốc do các thủ tục kiểm tra, kiểm dịch hải quan bất ngờ được tăng cường như là một cách để Trung Quốc nhắc nhở Mỹ về tầm quan trọng của thị trường nước này đối với các nhà xuất khẩu Mỹ.

Phân biệt đối xử trong quản lý

Công cụ thứ hai là áp dụng các quy định quản lý theo cách phân biệt đối xử để gây tốn kém cho các công ty Mỹ có các nhà máy hay các cửa hàng, siêu thị ở Trung Quốc. Bắc Kinh từng sử dụng các chiêu thức như điều tra tham nhũng, thanh tra thuế, kiểm tra an toàn cháy nổ và vệ sinh để gây xáo trộn hoạt động của các công ty nước ngoài trong thời gian Trung Quốc có xung đột chính trị với các nước khác. Chẳng hạn, để phản đối Hàn Quốc cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, nhà chức trách Trung Quốc đã buộc chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc đóng cửa 90 siêu thị ở Trung Quốc do bị cáo buộc vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy.

Nếu Trung Quốc muốn trả đũa Mỹ, 20 siêu thị của tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) tại Trung Quốc có thể hứng chịu số phận tương tự hoặc các hãng xe Mỹ như Ford hay General Motors có thể đối mặt với các khoản phạt do các vi phạm bất ngờ

Gây khó dễ khi cấp phép kinh doanh

Công cụ thứ ba liên quan đến cấp phép kinh doanh. Nói chung, hầu hết mọi loại hình kinh doanh ở Trung Quốc đều đòi hỏi phải có giấy phép và quy trình này được mô tả là ‘mập mờ và tùy tiện’ trong một báo cáo gần đây của Nhà Trắng. Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc có thể thu hồi hoặc trì hoãn việc cấp giấy phép kinh doanh cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, một tình huống mà các công ty phát triển video game của Hàn Quốc đã gặp phải vào năm 2017 khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul xung quanh vấn đề THAAD đang dâng cao.

Container được chuyển lên tàu ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP

Hạn chế du khách Trung Quốc sang Mỹ

Công cụ thứ tư là hạn chế du khách Trung Quốc đi du lịch đến Mỹ. Thông qua nhiều biện pháp chính thức và phi chính thức, chẳng hạn như chỉ đạo các công ty lữ hành không được bán các gói tour đi đến một số điểm du lịch nào đó ở nước ngoài, Bắc Kinh đã hạn chế người dân đi du lịch đến Philippines vào năm 2012 và gần đây là Hàn Quốc vào năm 2017. Chỉ đạo này đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc thất thu 15,6 tỉ đô la Mỹ và mất 402.000 việc làm.

Thực tế, gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đã thông báo khuyến cáo công dân Trung Quốc nên thận trọng khi du lịch đến Mỹ vì các vụ bắn súng, cướp bóc, trộm cắp, thiên tai thường xuyên xảy ra ở nước này.

Tẩy chay hàng hóa

Công cụ cuối cùng mà Trung Quốc có thể sử dụng là phát động cuộc tẩy chay không chính thức nhằm vào hàng hóa và các công ty Mỹ. Chẳng hạn, khi tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng phát ở biển Hoa Đông vào năm 2012, các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi tẩy người dân tẩy chay các công ty Nhật Bản, khiến hàng trăm siêu thị, nhà máy và văn phòng của họ phải đóng cửa ở Trung Quốc. Các vụ tẩy chay như vậy cũng gây thiệt hại cho các công ty Hàn Quốc khi Bắc Kinh phản đối Seoul cho phép Mỹ triển khai THAAD.

Thực tế là Mỹ sản xuất và bán hàng hóa ngay tại Trung Quốc nhiều hơn là hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Điếu này khiến hàng hóa Mỹ dễ bị tổn thương trước các vụ tẩy chay và các công ty Mỹ có thể bị thiệt hại lớn. Chẳng hạn, người dân Trung Quốc có thể không ghé đến 3.300 cửa hàng cà phê của Starbucks ở Trung Quốc nữa.

Cũng giống như các biện pháp áp thuế trả đũa, các biện pháp định tính trên không phải là không gây tổn thương cho Trung Quốc. Nhiều công nhân Trung Quốc có thể mất việc làm và nhiều công ty Trung Quốc đang dựa vào các đối tác liên doanh Mỹ, sẽ bị thiệt hại. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ lựa chọn nhằm vào các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có thể dễ dàng thay thế hoặc chỉ gây tác động nhỏ đối với hoạt động của các nhà sản xuất trong nước.

Nhà Trắng có thể leo thang các đòn áp thuế nhưng khó có thể đáp trả bằng các biện pháp định tính như vậy. Các lớp bảo vệ pháp lý và định chế có chiều sâu tại Mỹ được thiết kế để bảo vệ các công ty nước ngoài và hoạt động đầu tư nước ngoài ở Mỹ. Đây là những rào cản thực sự cho bất kỳ nỗ lực gây khó dễ nào về mặt quản lý nhằm vào các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Mỹ.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274915/trung-quoc-con-nuoc-co-nao-de-doi-pho-my.html