Trung Quốc công bố nguồn gốc dịch COVID-19 tái bùng phát trong cộng đồng ở Thanh Đảo

Một đợt tái bùng phát trở lại của dịch COVID-19 sau 2 tháng đã xảy ra ở thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông gây hoang mang lo lắng. Tối 17/10, Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra nguồn gốc gây bùng phát dịch bệnh.

CDC Trung Quốc thông báo xác nhận nguồn gây nên đợt lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mới ở Thanh Đảo là từ bao bì cá tuyết đông lạnh nhập khẩu. Trong ảnh: các nhân viên đang lấy mẫu tìm SARS-CoV-2 trong kho lạnh (Ảnh: Hk01).

CDC Trung Quốc thông báo xác nhận nguồn gây nên đợt lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mới ở Thanh Đảo là từ bao bì cá tuyết đông lạnh nhập khẩu. Trong ảnh: các nhân viên đang lấy mẫu tìm SARS-CoV-2 trong kho lạnh (Ảnh: Hk01).

Theo đó, các bệnh nhân đầu tiên là hai công nhân bốc xếp tại cảng, sau đó khi nhập viện họ đã sử dụng chung phòng chụp chiếu X quang ở Bệnh viện Lồng ngực Thanh Đảo với các bệnh nhân bình thường khác, gây nên một vụ lây nhiễm trong cộng đồng. Cả hai công nhân này đều tham gia bốc xếp hàng hải sản đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài trong cùng một ngày.

Vào tối thứ Bảy (17/10), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã thông báo, trong quá trình điều tra truy xuất nguồn gốc vụ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Thanh Đảo, đã tìm thấy và phân lập được các mẫu virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang tồn tại và hoạt động trên bao bì sản phẩm cá tuyết đông lạnh nhập khẩu mà các công nhân này bốc xếp vận chuyển.

Thành phố Thanh Đảo tiến hành tổng xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công dân toàn thành phố (Ảnh: Hk01).

CDC Trung Quốc chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên trên thế giới phân lập được SARS-CoV-2 còn sống (hoạt tính) trên bao bì của thực phẩm đông lạnh và xác nhận việc tiếp xúc với bao bì bên ngoài bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể dẫn đến nhiễm COVID-19.

Thông báo cho biết việc phân lập được SARS-CoV-2 hoạt tính từ bao bì của thực phẩm đông lạnh này là lần đầu tiên xác nhận bên ngoài phòng thí nghiệm rằng trong các điều kiện đặc biệt của việc vận chuyển sản phẩm đông lạnh, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bao bì của các sản phẩm trong một thời gian dài; cho thấy SARS-CoV-2 có khả năng lây lan xuyên biên giới trong khoảng cách rất xa. Thông báo cho rằng, trong một số điều kiện môi trường nhất định, SARS-CoV-2 sống trên bề mặt vật phẩm có thể gây lây nhiễm cho những người tiếp xúc nếu không có biện pháp phòng hộ hiệu quả và những người có nguy cơ lây nhiễm cao chủ yếu là nhân viên chuỗi cung ứng hàng đông lạnh.

Thông báo nhắc nhở, đồng thời với việc ngăn chặn người bị nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh, cần chú ý đến nguy cơ nhập cảnh SARS-CoV-2 từ các mặt hàng đông lạnh bị nhiễm virus ở nước ngoài. Tuy nhiên, thông báo cũng nói nguy cơ thực phẩm đông lạnh lưu thông tại thị trường Trung Quốc bị nhiễm SARS-CoV-2 là rất thấp. Tính đến ngày 15/9, 24 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc đã nộp 2,98 triệu kết quả xét nghiệm, trong đó có 670.000 mẫu thực phẩm và bao bì sản phẩm đông lạnh, 1,24 triệu mẫu nhân viên và 1,07 triệu mẫu môi trường; trong đó chỉ có 22 mẫu thực phẩm đông lạnh và bao bì dương tính với SARS-CoV-2 mới được phát hiện, nhưng lượng virus khá thấp và trước đó chưa phân lập được virus hoạt động.

Mặt khác, thông báo cũng nói công chúng có nguy cơ lây nhiễm thấp khi tiếp xúc hoặc ăn thức ăn đông lạnh. Các nghiên cứu và thực tiễn phòng ngừa, kiểm soát dịch hiện tại cho thấy COVID-19 không phải là bệnh truyền qua nguồn thực phẩm và chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm nào do thức ăn gây ra. Đồng thời, các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp giám sát và khử trùng thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu đối với SARS-CoV-2. Công chúng nên chú ý giữ vệ sinh, tách biệt thực phẩm sống và chín, có thể mua và tiêu thụ thực phẩm tươi sống nhập khẩu bình thường.

Các phòng xét nghiệm được dựng để tầm soát SARS-CoV-2 ở Thanh Đảo (Ảnh: Hk01).

Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc khuyến cáo những người lao động thường xuyên tiếp xúc gần với các sản phẩm đông lạnh có khả năng cao bị nhiễm virus tại nơi làm việc, chẳng hạn những người làm công việc bốc dỡ, chế biến và bán sản phẩm đông lạnh nhập khẩu, cần nâng cao ý thức và thực hiện phòng hộ hàng ngày. Cần tránh để da tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm đông lạnh có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi tiếp xúc với các sản phẩm dây chuyền lạnh nếu chưa cởi bỏ quần áo bảo hộ lao động có thể bị nhiễm khuẩn thì không chạm vào miệng, mũi, mắt trước khi rửa tay và khử trùng; sau khi làm việc xong cần rửa tay, khử trùng ngay và tiến hành tầm soát virus thường xuyên.

Trong tuần thứ 2 của tháng 10, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã ghi nhận 13 ca nhiễm COVID-19 mới tại Bệnh viện Lồng ngực Thanh Đảo, nơi điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh. Lúc đầu người ta nghi ngờ nguồn lây nhiễm là các bệnh nhân này, nhưng qua xác minh, 2 ca F0 đều là công nhân bốc dỡ hàng đông lạnh nhập khẩu ở bến cảng.

Để ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 mới, chính quyền địa phương đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng từ ngày 12/10 và đã hoàn tất quá trình kiểm tra toàn bộ 10,7 triệu dân vào ngày 16/10. Kết quả thông báo cho thấy không phát hiện thêm trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 nào khác.

Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc, ngày 17/10, Trung Quốc ghi nhận 13 ca nhiễm COVID-19 mới và 1 ca nghi nhiễm, đều là các ca nhập cảnh. Tính đến 24h ngày 17/10, Trung Quốc có tổng số 85.672 ca nhiễm COVID-19, tử vong 4.634 người, hiện đang điều trị 252 ca (có 5 ca nặng).

Trong số các bệnh nhân COVID-19, có tổng số 3.110 ca nhập cảnh từ nước ngoài, đã điều trị khỏi 2.871 ca, đang điều trị 239 ca.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-cong-bo-nguon-goc-dich-covid-19-tai-bung-phat-trong-cong-dong-o-thanh-dao-post139443.html