Trung Quốc đã tăng gấp đôi trợ cấp cho doanh nghiệp từ năm 2013

Các khoản trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp đang là hai công cụ chính mà Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ các ngành của họ.

Ảnh: Nikkei

Từ năm 2013 cho đến nay, Trung Quốc đã tăng gấp đôi trợ cấp cho các ngành công nghiệp, nhiều khả năng trợ cấp sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, như vậy đàm phán thương mại giai đoạn tiếp theo của Trung Quốc với Mỹ nhiều khả năng sẽ phải giải quyết vấn đề rất hóc búa, theo Wall Street Journal.

Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp số tiền 156,2 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 22,4 tỷ USD cho những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, theo tính toán của Nikkei, dựa trên số liệu từ công ty tài chính Wind.

Tổng số tiền trợ cấp tương đương khoảng 5% lợi nhuận ròng mà các công ty Trung Quốc đại lục có niêm yết cổ phiếu trên hai sàn trên kiếm được trong năm ngoái. Trợ cấp cho nhóm các doanh nghiệp này trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 15%, hơn 90% trong số 3748 doanh nghiệp đã nhận được trợ cấp.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc trợ cấp như vậy giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các ngành nghề cũng như việc làm tại nội địa Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại giai đonạ một được công bố vào tuần trước đã bỏ qua nhiều vấn đề cấu trúc bao gồm trợ cấp cũng như các doanh nghiệp nhà nước và chấp nhận thông qua chỉ những vấn đề đơn giản hơn nhiều.

Công ty xăng dầu và chất hóa học Trung Quốc hay còn gọi Sinopec đứng đầu danh sách nhận trợ cấp trong 9 tháng đầu năm 2019, mức nhận trợ cấp khoảng 450 triệu USD. Công ty ô tô Quảng Châu đứng thứ 2 với 270 triệu USD.

4/10 công ty nhận tiền nhiều nhất là các hãng xe, trong đó có hãng xe SAIC. Ngoài việc nhận được trợ cấp cho sản xuất xe điện, chính phủ Trung Quốc vốn đang khuyến khích phát triển mảng này, nhiều công ty còn nhận được hỗ trợ khi đang khó khăn về tài chính.

Các hãng điện tử tiêu dùng cũng nhận được nhiều tiền, trong đó phải kể đến công ty sản xuất màn hình BOE Technology Group, đối thủ TCL đứng thứ 6 và công ty sản xuất thiết bị điều hòa đứng thứ 7.

Bắc Kinh đã tung ra chương trình “Made in China 2025” vào năm 2015 để củng cố sự phát triển của các ngành nội địa. Bắc Kinh dường như đang tung ra thêm nhiều trợ cấp cho các công ty liên quan nhằm giúp họ cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Các khoản trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp đang là hai công cụ chính mà Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ các ngành của họ. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cấm việc trợ cấp cho doanh nghiệp nhằm tăng xuất khẩu, đồng thời yêu cầu phải báo cáo về các hình thức hỗ trợ khác. Tuy nhiên Trung Quốc không báo cáo và được cho là đã vi phạm quy định của WTO trong nhiều trường hợp.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/trung-quoc-da-tang-gap-doi-tro-cap-cho-doanh-nghiep-tu-nam-2013-3530373.html