Trung Quốc dàn tên lửa ở Biển Đông, Mỹ phẫn nộ cảnh báo về hậu quả

Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại với Trung Quốc về hành động quân sự hóa mới nhất của nước này ở Biển Đông đồng thời cảnh báo sẽ có hậu quả trước mắt và lâu dài cho hành động của Trung Quốc, Nhà Trắng hôm qua (03/05) cho biết.

Phát ngôn viên Nhà Trắng – bà Sarah Sanders

Hãng tin CNBC của Mỹ trước đó hôm 2/5 đưa tin, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa đất đối không và đất đối hạm trên ba cứ điểm trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. CNBC cho biết, họ có thông tin này từ nguồn tin trực tiếp trong giới tình báo Mỹ.

Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Nhà Trắng - bà Sarah Sanders cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng: "Chúng tôi biết rõ hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về điều đó và sẽ có cả hậu quả trước mắt cũng như lâu dài”. Bà Sanders không nói cụ thể đó là những hậu quả gì.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, tình báo Mỹ đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã tiến hành hoạt động vận chuyển các hệ thống vũ khí đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong suốt một tháng qua nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng gì trước những đề nghị bình luận về thông tin được nói ở trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn tuyên bố quần đảo Trường Sa “thuộc chủ quyền” của họ.

Quần đảo Trường Sa cùng với quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Ông Eric Sayers - một cựu cố vấn của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã miêu tả hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông là “một bước đi leo thang lớn”. Ông này cho rằng, Mỹ có thể đáp trả tức thì bằng việc không mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC diễn ra ở Hawaii vào tháng Bảy tới.

"Khi Trung Quốc thấy rằng họ không bị trừng phạt hoặc bị trả giá rất ít khi có những kiểu hành động như thế - những hành động họ đã làm trong suốt từ năm 2015 đến năm 2016 - điều đó chỉ khiến họ tăng cường những hành động như vậy”, ông Sayers nhận định. Ông này hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington.

"Trung Quốc xem việc họ được tham gia vào cuộc tập trận là một dấu hiệu của sự công nhận giữa các cường quốc hàng hải thế giới nhưng Bắc Kinh không nên được phép quân sự hóa vùng biển này mà vẫn được đón chào như một thành viên của cộng đồng hàng hải”, nhà phân tích Sayers nhấn mạnh.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201805/trung-quoc-dan-ten-lua-o-bien-dong-my-phan-no-canh-bao-ve-hau-qua-601884/