Trung Quốc đang gặp trở lực trong quan hệ chiến lược tại Mỹ Latinh

Quan hệ của Trung Quốc với các đối tác chiến lược ở Tây Bán Cầu trở nên không chắc chắn khi Mỹ tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh.

Làn sóng mới của chủ nghĩa dân túy với khuynh hướng độc đoán ở khu vực Mỹ Latinh đang có những tác động đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực như Mexico, Brazil và Venezuela. Cả ba nền kinh tế lớn nhất khu vực đang dấn sâu hơn vào tình trạng quản lý kém và triển vọng tăng trưởng khu vực trở nên mờ mịt. Các mối quan hệ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực đang phải đối mặt với một phép thử khó khăn.

Tại Mexico, quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), trong đó có điều khoản được coi là đối địch với Trung Quốc, nêu rõ, nếu một quốc gia nào trong USMCA tham gia một thỏa thuận thương mại với một quốc gia "phi thị trường" (non-market country) – tức là Trung Quốc - thì hai quốc gia còn lại trong vòng 6 tháng có quyền tự do rời khỏi USMCA để hình thành thỏa thuận thương mại song phương của riêng họ. Bắc Kinh lo ngại các điều khoản như trên có thể sẽ xuất hiện trong các hiệp định thương mại khác trong khu vực mà có Mỹ tham gia.

Tại Brazil, vốn là thành viên của nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS), sau khi nhậm chức, Tổng thống Jair Bolsonaro thiết lập quan hệ thân thiện với Washington và đã gây bất ngờ cho Bắc Kinh khi hoãn cuộc họp dự định ngày 20/6 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản. Việc các nhà lãnh đạo hai nước thành viên BRICS không gặp nhau là một tín hiệu xấu đối với mối quan hệ của tập hợp lực lượng các nền kinh tế mới nổi vốn do Trung Quốc cầm trịch.

Việc Brazil tách khỏi Trung Quốc được Mỹ khuyến khích và Mỹ hứa hẹn sẽ tăng thương mại song phương. Trước khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hoan nghênh ông vì đã đứng lên bảo vệ chủ quyền của Brazil khi đối mặt với các hoạt động cho vay và thương mại có tính bóc lột của Trung Quốc. Tổng thống Trump còn tuyên bố Mỹ và Brazil sẽ đi đến một hiệp định thương mại tự do. Tất cả những điều này trực tiếp nhắm vào tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Mỹ Latinh.

Tại Venezuela, Tổng thống Maduro đang phải đối đầu với thủ lĩnh phe đối lập và Tổng thống lâm thời "tự phong" Juan Guaid kể từ ngày 23/1. Tình hình rối loạn của Venezuela đã làm ảnh hưởng đến những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Về mặt kinh tế, Venezuela đã không thể trả được các khoản vay của Trung Quốc tương đương 60 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2017. Năm 2018, Trung Quốc đã chùn bước trong việc đưa ra các cam kết tài chính mới vì khoản nợ song phương còn tồn đọng được báo cáo vượt quá 19 tỷ USD.

Kinh tế Mỹ Latinh trong tình trạng khó khăn. Tại Venezuela, cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm nền kinh tế nước này.

Kinh tế Mỹ Latinh trong tình trạng khó khăn. Tại Venezuela, cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm nền kinh tế nước này.

Về mặt chính trị, Trung Quốc đang bị kéo vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia khác và các hành động của Bắc Kinh có thể gây nên những tổn hại cho lợi ích của chính họ. Như việc Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ hủy cuộc họp thường niên năm 2019 tại Thành Đô, Trung Quốc, vì Bắc Kinh từ chối cấp visa cho đại diện của ông Guaido, nhà kinh tế học Harvard, ông Richard Hausmann. Với những biến động bất ổn này, Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục theo đuổi các sáng kiến chiến lược của mình mà không tính toán lại các ưu tiên và chính sách.

Việc các nước chủ chốt Mỹ Latinh quay lưng lại với Trung Quốc đã vẽ ra một bản đồ tư tưởng mới cho các mối quan hệ quốc tế. Trong thời kỳ thịnh hành của các chính phủ cánh tả ở khu vực Nam Mỹ thích hợp tác Nam - Nam hơn so với mối quan hệ với châu Âu hoặc Mỹ. Đó là một lý do chính tại sao Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đơn lẻ lớn nhất của Mercosur – là tổ chức thương mại tự do được thành lập vào năm 1991 giữa các nước Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Mặc dù EU vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, ngày càng không rõ liệu các chính phủ dân túy mới sẽ khuyến khích thương mại tự do hay không. Một số nhà phân tích đã phê phán Argentina và Brazil sử dụng Mercosur như một cách để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi cạnh tranh quốc tế. Ví dụ, Brazil đã đơn phương áp đặt các hạn chế chống bán phá giá đối với nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào năm 2011.

Có lẽ do hậu quả của những cơn gió bảo hộ đang gia tăng, nền kinh tế của khu vực Mỹ Latinh đã chứng kiến sự dự báo giảm tăng trưởng lớn nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), với mức duy trì tăng trưởng thấp ở Mexico và Brazil trong năm 2019, trong khi đó, Argentina dự kiến sẽ phục hồi chậm từ cuộc khủng hoảng năm 2018.

Về phần mình, Trung Quốc đang thúc đẩy các kế hoạch tăng cường quan hệ với khu vực Mỹ Latinh. Tại Diễn đàn thứ hai của Trung Quốc và Cộng đồng các Bộ trưởng khu vực Mỹ Latinh và Caribbean được tổ chức vào tháng 1/2018, các bên đã đồng ý cập nhật kế hoạch hợp tác đến năm 2021. Trung Quốc cũng mời các nước Mỹ Latinh tham gia Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI). Hiện có 16 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đang tham gia BRI.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không thể tái thiết lập quan hệ với các đối tác chiến lược chủ yếu ở Mỹ Latinh sẽ gây trở ngại lớn cho việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ra Tây Bán Cầu. Có lẽ trạng thái kinh tế của các nền kinh tế chủ yếu trong khu vực sẽ còn tác động đến các mối quan hệ kinh tế thương mại của họ với Trung Quốc và Mỹ./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-dang-gap-tro-luc-trong-quan-he-chien-luoc-tai-my-latinh-20190829120613125.htm