Trung Quốc đang giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Những số liệu thống kê thương mại 'đầy mỉa mai' cho thấy khó dự đoán hậu quả chính xác của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc mà Tổng thống Trump kích hoạt.

Lập hàng rào thuế, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng lên

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự giận dữ về mức độ thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc, từ đó tiến hành áp đặt hàng rào thuế quan lên lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la. Mục tiêu của Nhà Trắng là chính sách này sẽ giúp cho thâm hụt với Trung Quốc được thu hẹp, vì các công ty Mỹ sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở quê nhà và / hoặc tìm cách tránh nhập khẩu khi chi phí đã đắt đỏ hơn vì thuế gia tăng.

Nhưng lý thuyết đó đã không diễn ra – hoặc chưa diễn ra. Tuần trước, chính phủ Mỹ đã công bố số liệu cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đối với Trung Quốc tiếp tục tăng 4,3% trong tháng chín, lên mức 37,4 tỷ đô la đã điều chỉnh theo mùa vụ. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, nguyên nhân là do lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh 8%, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang nước này vẫn giữ nguyên.

Nếu như có ý kiến cho rằng dữ liệu hàng tháng nổi tiếng là không đáng tin cậy, thì số liệu quý cũng cho thấy xu hướng rõ ràng. Cụ thể trong quý 3 vừa qua, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc đạt 106 tỷ USD, tăng từ mức 92,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, cũng do sự gia tăng đáng kể về lượng hàng nhập khẩu. Trong 9 tháng qua, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 305,4 tỷ đô la, tăng rất mạnh so với con số 276,6 tỷ đô la cùng kỳ năm ngoái.

Thật ra nếu từ góc nhìn kinh tế vĩ mô, điều này giờ đây không quan trọng. Sau tất cả, sự ám ảnh về thâm hụt thương mại song phương trong một thế giới thương mại đa phương là điều vô lý, vì một nước có thể thâm hụt với nước này nhưng lại đạt thặng dư với nước khác, và do đó cầ phải xét đến tổng giá trị thương mại chứ không nên xem xét riêng với bất kỳ quốc gia nào.

Ngoài ra, trong tình hình thương mại dịch vụ đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với thương mại hàng hóa, thì việc chỉ nhìn riêng vào con số thâm hụt thương mại hàng hóa cũng không thật sự phù hợp. Ai cũng thấy rằng Mỹ là quốc gia rất mạnh về các sản phẩm dịch vụ và trí tuệ, và con số thặng dư thương mại dịch vụ mà nước này đạt được với các quốc gia khác là rất lớn.

Vì lẽ đó, Nhà Trắng lẽ ra nên tập trung vào những khu vực mà Hoa Kỳ có những bất bình chính đáng với Trung Quốc sẽ tốt hơn nhiều, chẳng hạn như lạm dụng tài sản trí tuệ của Bắc Kinh, chứ không phải là những yêu sách ở các lô hàng sắt thép nhập khẩu.

Nhưng logic kinh tế này dường như không ảnh hưởng gì đến ông Trump trong hiện tại, ít nhất là trong lúc Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Vì vậy, thật đáng để hỏi tại sao các số liệu thống kê song phương đang di chuyển sai đường mà Nhà Trắng mong muốn khi đặt ra các hàng rào thuế quan.

Nhà Trắng tốt hơn là nên tập trung vào các yêu sách ở những lĩnh vực chính đáng

Vì đâu?

Trớ trêu thay, một phần lý do giải thích chính là vì sức mạnh kinh tế hiện tại của Hoa Kỳ, khi mà tăng trưởng nhanh thường tăng nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn. Hoặc, như một số cố vấn riêng của ông Trump đã từng nói đùa với ông ấy rằng, cách dễ nhất để giải quyết thâm hụt thương mại là tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Yếu tố thứ hai có thể giải thích là do vấn đề về độ trễ của thời gian: các công ty Mỹ đã tranh thủ nhập khẩu mạnh trước khi thuế tăng lên, nhằm quản lý chi phí tốt hơn và cũng gia tăng kho dự trữ để tự bảo vệ mình khỏi sự gián đoạn thương mại. Ví dụ, một phân tích dữ liệu cho thấy rằng các lĩnh vực đã chịu thuế quan (như thép) có mức tăng đột biến đáng kể về giá trị nhập khẩu hồi đầu năm nay, và hiện đang giảm dần.

Nhưng có một lời giải thích khác có thể lý giải điều này, mà được đưa ra bởi các tổ chức luôn theo dõi sự phức tạp của diễn biến thương mại toàn cầu, đó là Trung Quốc thực sự có thể chiến thắng về lượng (nếu không phải là chất) trong vòng đầu của cuộc thương chiến. Panjiva, công ty dữ liệu thương mại toàn cầu có trụ sở tại New York, khi quan sát số liệu thương mại công bố trong tuần trước, đã nhận định “Việc mở rộng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 9 là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại hiện nay đang chống lại chính nước Mỹ ”.

Hoặc như Soren Skou, giám đốc điều hành của AP Moller-Maersk – một công ty vận tải, đã phát biểu như sau: “Đây là một diễn biến đầy mỉa mai, sau khi Trump lớn giọng và thiết lập hàng loạt hàng rào thuế, thì Mỹ tiếp tục tăng nhập khẩu từ Trung Quốc, thậm chí còn nhiều hơn ”- ngay cả khi xuất khẩu của Mỹ ở các sản phẩm như đậu nành đã sụp đổ.

Dù ông Skou cũng cho rằng diễn biến này là do các công ty Mỹ gia tăng kho dự trữ, nhưng điểm đáng chú ý là, ông cho rằng vị trí của các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hiện nay cho thấy họ dễ dàng tìm thấy các sản phẩm thay thế khác cho các sản phẩm nhập từ Mỹ, trong khi Mỹ lại khó tìm thấy các sản phẩm thay thế cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một vấn đề quan trọng thứ ba, ông Skou cho rằng ông Trump "không thể nói với Nike, Walmart và The Home Depot rằng họ không thể nhập khẩu từ Trung Quốc". Vì vậy, ông dự đoán rằng các công ty Mỹ "sẽ tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ tìm kiếm các giải pháp tốt nhất" chỉ để vẫn duy trì được lợi nhuận, trong đó việc đồng nhân dân tệ đang suy yếu dĩ nhiên là hỗ trợ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngược lại, Bắc Kinh có thể đơn giản yêu cầu các công ty do nhà nước kiểm soát nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ - và rõ ràng họ có thể làm như vậy.

Vậy điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán? Không phải như vậy. Xét cho cùng, nền kinh tế Trung Quốc có lẽ dễ bị tổn thương hơn Mỹ trong cuộc chiến thương mại lần này, và bức tranh kể trên có thể sớm thay đổi nếu khi nhu cầu dự trữ của các công ty Mỹ kết thúc.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/trung-quoc-dang-gianh-chien-thang-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-18140.html