Trung Quốc đang mua những vũ khí gì từ Nga?

Trung Quốc vừa bị Mỹ áp đặt trừng phạt vì mua máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không từ Nga nhưng ngoài hai loại này còn những gì khác mà Trung Quốc đang mua?

Nga đã bán được khoảng 15 tỷ USD tiền vũ khí cho Trung Quốc năm 2017. Con số này duy trì được quy mô giao dịch tương đương với các năm trước đó, theo như số liệu của Rosoboronexport là cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga.

Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - đất nước chiếm hơn một nửa thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Còn Trung Quốc, mặc dù cũng chiếm 6% thị phần xuất khẩu vũ khí nhưng họ là một trong 5 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Bốn nước khác là Ấn Độ, Pakistan, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Ả rập Saudi.

Sau đây là một số mặt hàng quân sự Nga đã bán cho Trung Quốc:

Sukhoi Su-35

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Trung Quốc đã nhận 10 chiếc Su-35 tháng 12.2017, trở thành nước ngoài đầu tiên mua được phiên bản nâng cấp của chiếc Su-27 này. Máy bay Su-35 mạnh mẽ bởi động cơ AL-117S được tích hợp vector lực đẩy. Ngoài ra nó còn có radar đa năng có thể theo dõi 30 mục tiêu cùng lúc.

Tên lửa phòng không S-400

Đây là một trong những hệ thống phòng không hàng đầu thế giới với nhiều cự ly bắn khác nhau, từ 40 đến 400 km. Nó có thể bắn mục tiêu từ độ cao 10m cho đến 30 km giúp nó trở thành một hệ thống phòng không nhiều tầng nhiều lớp.

Radar tiên tiến của S-400 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình và chống nhiễu điện tử.

Một hệ thống phòng không S-400 tích hợp tới 72 bệ phóng với 384 tên lửa. Nó có thể theo dõi 300 mục tiêu đồng thời và tấn công 36 mục tiêu trong số đó cùng một lúc. Nó có thể đánh trúng mục tiêu đang bay với tốc độ tối đa là 4800 m/s hoặc quy đổi ra là vận tốc Mach 15 (tức gấp 15 lần vận tốc âm thanh).

Nga cũng dự kiến bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và việc này đã làm dấy lên lo ngại của NATO.

Trực thăng Kamov

Trung Quốc đã mua 7 trực thăng Ka-32A11VS đa năng năm 2016 và thêm 2 chiếc năm 2017 từ công ty trực thăng Nga. Các hợp đồng này gồm cả điều khoản huấn luyện cho phi công Trung Quốc.

Các trực thăng đa năng này thích hợp cho nhiều nhiệm vụ, gồm từ cứu hỏa, tìm kiếm cứu nạn cho đến tuần tra.

Ka-32 là một máy bay linh hoạt cao, có thể mang hàng hóa bên trong thân cũng như bên ngoài. Cánh quạt đồng trục cho phép nó hạ cánh chính xác trên địa hình núi rừng hiểm trở hoặc đô thị chật hẹp.

Nó cũng có thể trang bị nhiều thiết bị đặc biệt như vòi rồng để chữa cháy và hoạt động tốt khi đối mặt với khói bụi dày đặc.

Động cơ AL-31F

Trung Quốc cũng đã đặt hàng 150 động cơ AL-31F từ Nga. Cuối năm ngoái, 100 động cơ đã được giao. Trung Quốc sử dụng các động cơ này cho máy bay chiến đấu J-15, là một chiếc máy bay sao chép từ Su-27. Dòng động cơ AL-31 là động cơ cơ bản được phát triển cho gia đình máy bay Su-27.

Người ta dự đoán Trung Quốc sẽ chế tạo vài chục chiếc J-15 để hoạt động trên tàu sân bay. Thêm nữa, một số động cơ AL-31FM đã được đặt vào vài nguyên mẫu thử nghiệm của chiếc J-20 là chiếc máy bay tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc.

Các phiên bản sau của J-20 đã được sử dụng động cơ tự sản xuất WS-10 nhưng không có động cơ nào có thể giúp nó đạt được tốc độ và sự linh hoạt cần thiết.

Trung Quốc cũng đã mua gần 400 động cơ AL-31FN cho các máy bay J-10 và 10 động cơ AL-41F-1S đã được đặt hàng để dự trữ cho các máy bay Su-35.

Đông cơ D-30

Động cơ Soloviev D-30 (PS-30) là một động cơ phản lực hai trục từ thời Liên Xô, được sử dụng làm động cơ cho các máy bay như máy bay vận tải Y-20 và máy bay ném bom H-6K.

Máy bay H-6K đi vào phục vụ tháng 10.2009 và được tuyên bố có bán kính tác chiến 3500 km với động cơ D-30.

Đại Dương (theo SCMP)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/trung-quoc-dang-mua-nhung-vu-khi-gi-tu-nga-915900.html