Trung Quốc đang muốn thay thế trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông?

Việc thay thế bà Lâm chắc chắn sẽ cho thấy quan điểm đảo chiều của phía Trung Quốc, phía Trung Quốc thực ra cũng không muốn để người biểu tình cảm giác rằng họ đang 'chiến thắng'.

Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc thay bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong vai trò trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, theo chia sẻ của ông Michael Tien, một chính trị gia khá nổi tiếng ở Hồng Kông. Phong trào ủng hộ dân chủ đang tiếp tục gây chấn động trung tâm tài chính châu Á, theo tin từ Bloomberg.

Ông Tien nói rằng theo nguồn tin mà ông có được từ chính phủ Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đang lựa chọn một số ứng viên để đưa vào vị trí đứng đầu Hồng Kông năm tới. Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi vào trước đó, Financial Times đưa tin rằng một trưởng đặc khu hành chính tạm quyền của Hồng Kông sẽ chính thức lên nhận nhiệm vụ nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định thực thi kế hoạch thay lãnh đạo tại Hồng Kông.

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày thứ Tư, ông Tien nói: “Họ đánh giá rằng điều này sẽ có thể diễn ra trong một thời gian nữa. Tình trạng này kéo dài chỉ tồi tệ cho tất cả các bên, cho cả Hồng Kông và cảnh sát. Giờ đây đã đến lúc phải hành động. Tôi được biết rằng có thể mọi chuyện sẽ diễn ra vào năm tới, có thể tháng 2 hoặc tháng 3/2020”.

Người thay thế bà Lâm nhiều khả năng cũng không cần phải đảm nhiệm nhiệm vụ suốt nhiệm kỳ 5 năm. Ông Tien cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc đến hai lựa chọn: Chọn ra một người đứng đầu Hồng Kông để giải quyết các vấn đề còn lại trong nhiệm kỳ của bà Lâm hoặc thử một người mới để người đó giữ vị trí đứng đầu sau cả cuộc bầu cử vào năm 2022. Việc thay thế sẽ cần đến sự chấp thuận của 1.200 thành viên ban bầu cử.

Theo Financial Times, ông Norman Chan, người từng đứng đầu Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông và ông Henry Tang, người từng làm phó trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông được coi như 2 ứng viên sáng giá để thay thế bà Lâm. Ngoại trưởng Trung Quốc trong ngày thứ Tư khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc vẫn ủng hộ bà Lâm và rằng quan điểm đó không hề thay đổi.

Việc thay thế bà Lâm chắc chắn sẽ cho thấy quan điểm đảo chiều của phía Trung Quốc, phía Trung Quốc thực ra cũng không muốn để người biểu tình cảm giác rằng họ đang “chiến thắng”. Dù vậy, Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực trong việc chấm dứt đi nhiều tháng bất ổn đã đẩy kinh tế Hồng Kông đến suy thoái cũng như gây ra nhiều rối ren chính trị.

Luật dẫn độ Hồng Kông đã là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều tháng biểu tình căng thẳng, người biểu tình phản đối việc Bắc Kinh kiểm soát quá chặt chẽ Hồng Kông. Động thái rút đi luật dẫn độ và việc ban hành cấm đeo mặt nạ cũng không thể làm gì nhiều để ngăn rối loạn.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/trung-quoc-dang-muon-thay-the-truong-dac-khu-hanh-chinh-hong-kong-3525124.html