Trung Quốc đang tìm cách để sớm sở hữu UAV tấn công tự sát Harop của Israel?

Các trang mạng quân sự Trung Quốc đang tỏ ra rất ấn tượng với tính năng kỹ chiến thuật và thành tích thực chiến của UAV Harop trên chiến trường Syria.

Máy bay tấn công không người lái Harop do Tập đoàn công nghiệp hàng không Israel - IAI chế tạo là một trong những vũ khí gây nhiều ấn tượng nhất trên chiến trường Trung Đông.

Phương tiện này rất đặc biệt ở chỗ nó có thể đảm nhiệm tốt cả hai vai trò bao gồm trinh sát chiến trường và vũ khí chế áp phòng không đối phương.

Tại Syria, UAV tấn công cảm tử Harop được ghi nhận đã tiêu diệt ít nhất 3 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội chính phủ Syria - SAA.

Trong đó có hai hệ thống Pantsir-S1 bị tiêu diệt ở trạng thái bất động, còn một hệ thống đã bắn tới 2 tên lửa 57E6 lên để đánh chặn nó nhưng không thành công.

Các diễn đàn quân sự Trung Quốc cho rằng quân đội nước này nên nhanh chóng đàm phán với Israel để mua về một số lượng lớn phương tiện đặc biệt này để bổ sung cho các máy bay không người lái Harpy (tiền thân của Harop) hiện đã trở nên lạc hậu.

Trong quá khứ, Israel đã bán cho Trung Quốc một số lượng đáng kể UAV cảm tử Harpy, vũ khí này hiện vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến thuật của PLA.

Thậm chí gần đây UAV Harpy còn được nhìn thấy xuất hiện trong cuộc duyệt binh rất lớn tại căn cứ Chu Nhật Hòa vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA, khi căng thẳng với Ấn Độ leo thang.

Nếu có thêm UAV Harop, Quân đội Trung Quốc có thể xây dựng thêm nhiều hình thức tác chiến mới lợi hại hơn, khi Harop ngoài chức năng dò theo cánh sóng radar thụ động thì còn truyền được hình ảnh trực tiếp về sở chỉ huy.

Bên cạnh chế áp phòng không đối phương, chiếc Harop còn được xem là phương tiện "phản pháo" rất nhanh chóng, nó sẽ phá huy ngay các trận địa pháo, cụm hỏa lực của đối phương mà không cần gọi yểm trợ từ tuyến sau.

Tuy nhiên mong muốn của Trung Quốc rất khó thành hiện thực vào thời điểm này, bởi Mỹ chắc chắn sẽ ra tay ngăn cản việc Tel Aviv bán vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh, cần lưu ý rằng trước đó Israel đã phải từ chối hợp đồng hiện đại hóa UAV Harpy.

Ngoài ra Israel cũng phải đề phòng khả năng Trung Quốc sẽ nhanh chóng sao chép chiếc Harop để bán giá rẻ ra ngoài thị trường vũ khí thế giới và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ.

Israel sẽ càng có thêm lý do để lo ngại nhất là khi hiện nay nền khoa học kỹ thuật và công nghệ của Bắc Kinh đã tiến rất xa so với 20 năm trước.

Với những đặc điểm trên, khả năng Trung Quốc mua được UAV cảm tử Harop của Israel theo đường "chính ngạch" là gần như không có.

Mặc dù vậy chẳng thể nào loại trừ viễn cảnh Trung Quốc sẽ tìm cách đi theo đường "tiểu ngạch" để có được chiếc Harop bởi vì đây là thế mạnh của Bắc Kinh.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-dang-tim-cach-de-som-so-huu-uav-tan-cong-tu-sat-harop-cua-israel/798049.antd