Trung Quốc đẩy mạnh chinh phục không gian

Bước sang năm 2019, Trung Quốc đã có một bước đi lịch sử trong khám phá vũ trụ: Họ phóng một tàu thăm dò không người lái có hình dáng nhỏ gọn, màu bạc, bên trên gắn một đĩa vệ tinh lên phần tối bí ẩn của Mặt trăng để khám phá khu vực mà nhân loại chưa từng đặt chân tới.

Phòng thí nghiệm Thiên Cung-2 được phóng ngày 15/9/2016. (Nguồn: AFP).

Phòng thí nghiệm Thiên Cung-2 được phóng ngày 15/9/2016. (Nguồn: AFP).

Bước đột phá

Được đặt tên theo chú thỏ thuộc về nữ thần Mặt trăng theo truyền thuyết của Trung Quốc - Hằng Nga, tàu thăm dò Thỏ Ngọc-2 đã tạo nên lịch sử ghi gửi về những hình ảnh và dữ liệu từ góc tối của Mặt trăng. Thỏ Ngọc-2 được chuyển tới Mặt trăng nhờ tàu vũ trụ Hằng Nga-4 vào ngày 3/1/2019, và đó là một thành tựu lớn trong chương trình khám phá vũ trụ đầy ấn tượng của Trung Quốc.

Việc hạ cánh tàu thăm dò Thỏ Ngọc-2 trên bề mặt Mặt trăng cũng đánh dấu lần đầu tiên mà nhân loại cho hạ cánh một vật thể xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái đất kể từ năm 2013. Ca hạ cánh thành công “đã mở ra một chương mới trong công cuộc khám phá Mặt trăng của nhân loại” - Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Ngay trong hôm 4/1, tức một ngày sau vụ phóng lịch sử, trang mặt của tờ nhật báo China Daily đã đăng một bức ảnh cỡ lớn chụp các nhà khoa học thuộc Trung tâm Kiểm soát không gian Bắc Kinh đang ăn mừng sự kiện trên, bên cạnh đó là những bức ảnh đầu tiên mà tàu Hằng Nga-4 gửi về từ góc tối của Mặt trăng.

Phải nói một thực tế rằng Trung Quốc nhập cuộc chạy đua khám phá vũ trụ khá muộn. Phải mãi đến năm 1970 họ mới phóng được vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo Trái đất, trong khi cũng vào thời điểm đó thì nước Mỹ đã đưa phi hành gia lên Mặt trăng. Nhưng Trung Quốc đã bắt nhịp khá nhanh.

Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã gửi tới 6 đội phi hành gia lên không gian và phóng 2 phòng thí nghiệm lên quỹ đạo Trái đất. Trong năm 2003, họ đã phóng thành công một tàu thăm dò - Thỏ Ngọc-1, lên Mặt trăng, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đạt được thành tựu này.

Dù cho phản ứng trước pha hạ cánh thành công của tàu Trung Quốc - trong bối cảnh có nhiều quan ngại về nền kinh tế nước này và cuộc chiến thương mại với Mỹ - được xem là khá hạn chế so với các sứ mệnh khám phá Mặt trăng trước kia, nhưng thành công của tàu Hằng Nga-4 cùng sự ca ngợi mà cộng đồng quốc tế dành cho nó sẽ tạo động lực lớn cho chương trình vũ trụ của Trung Quốc.

Tham vọng vũ trụ

Nói chuyện với các phi hành gia trên tàu Thần Châu-10 thông qua kết nối video vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng “giấc mộng không gian là một phần trong giấc mộng biến Trung Quốc thành đất nước mạnh mẽ hơn”. “Người dân Trung Hoa sẽ đạt được những bước tiến lớn hơn trong việc khám phá xa hơn vào không gian” - Chủ tịch Tập nói thêm.

Vào năm 2020, trong giai đoạn thực hiện sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo, tàu Hằng Nga-5 dự kiến sẽ hạ cánh trên bề mặt hành tinh này để thu thập mẫu vật sau đó trở về Trái đất. Cũng có nhiều kế hoạch khác đang được chuẩn bị để thực hiện một nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng trong năm 2030. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 2, sau Mỹ, từng đưa công dân của họ lên Mặt trăng.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đang chi mạnh tay cho chương trình Thiên Cung - giai đoạn chuẩn bị cho việc đặt một trạm không gian vĩnh cửu dự kiến sẽ bắt đầu vào năm nay hoặc năm tới. Hiện nay, phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung-2 đã ở trên quỹ đạo Trái đất được hơn 2 năm, và dự kiến sẽ trở về Trái đất theo phương pháp tự hủy có điều khiển vào tháng 7/2019.

“Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là, vào khoảng năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành một trong số những siêu cường vũ trụ của thế giới” - ông Wu Yanhua, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, từng nói trong năm 2016.

Nhưng bất chấp những bước tiến dài trong khám phá vũ trụ, Trung Quốc vẫn còn quãng đường chông gai phía trước để vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua khám phá vũ trụ.

Trong lúc tàu Hằng Nga-4 đang chuẩn bị hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, NASA đã gửi về những bức ảnh của Ultima Thule, vật thể đầu tiên bay qua Vành đai Kuiper - một dải gồm các vật thể của hệ Mặt Trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương tinh (khoảng 30 AU) tới 44 AU từ phía Mặt Trời, quỹ đạo nằm gần với mặt phẳng hoàng đạo.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể đạt được một thành tựu giúp họ vượt qua Mỹ, đó là kế hoạch đưa phi hành gia lên bề mặt Sao Hỏa trong tương lai.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghe/trung-quoc-day-manh-chinh-phuc-khong-gian-tintuc430177