Trung Quốc đề xuất quy định mới nâng cao khả năng chống độc quyền

Từ năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu sửa đổi luật chống độc quyền năm 2008, bổ sung thêm nội dung về nền kinh tế kỹ thuật số.

Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc mới đây đã công bố dự thảo các quy định và điều khoản nhằm tăng cường khả năng chống độc quyền, trong bối cảnh nước này chuẩn bị thực hiện luật chống độc quyền sửa đổi vào tháng 8 tới.

Cụ thể, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) của Trung Quốc cho biết muốn thu thập ý kiến từ công chúng cho các đề xuất của mình, bao gồm quy định về những giao dịch nào được coi là độc quyền hay quy định về chính quyền địa phương có quyền hạn chế cạnh tranh như thế nào.

Chẳng hạn, các công ty cần xem xét chống độc quyền đối với kế hoạch sáp nhập hoặc mua lại của họ nếu doanh thu hàng năm trên phạm vị toàn cầu của một trong các bên vượt quá 12 tỷ NDT (1,79 tỷ USD) và doanh thu hàng năm trong nước của ít nhất 2 bên đạt 800 triệu NDT, theo Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc tuyên bố.

Từ cuối năm 2020, các nhà quản lý Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay đàn áp đối với nhiều ngành, trong đó mục tiêu bao gồm hành vi độc quyền của các công ty dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Vào tháng 4/2021, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Alibaba (9988.HK) đã bị cơ quan quản lý nước này phạt khoản tiền chống độc quyền kỷ lục 18,23 tỷ NDT (2,8 tỷ USD). Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc cho biết chính sách “chọn một trong hai” của Alibaba đã hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến và “xâm phạm hoạt động kinh doanh của những người bán trên nền tảng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.

Chính sách “chọn một trong hai” yêu cầu những bên bán hàng thứ 3 đang kinh doanh trên các nền tảng của Alibaba thì không được bán hàng ở nền tảng của những đối thủ khác như JD.com hay Pindoudou. Khoản tiền phạt này đã chiếm 4% doanh thu nội địa của Alibaba vào năm 2019.

Đến tháng 11/2021, nền tảng giao đồ ăn lớn hàng đầu tại Trung Quốc là Meituan (3690.HK) cũng bị cơ quan quản lý thị trường nước này phạt 3,44 tỷ NDT (533,5 triệu USD), tương đương 3% doanh thu nội địa năm 2020 vì hành vi độc quyền.

Tòa nhà văn phòng của Alibaba Group Holding ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, các công ty vi phạm quy định độc quyền có thể bị phạt từ 1% - 10% doanh thu của năm trước. Thời báo Hoàn Cầu ghi nhận ý kiến đánh giá của các nhà phân tích cho rằng hình phạt của Alibaba và Meituan như là lời cảnh tỉnh đối với ngành công nghiệp internet tại Trung Quốc, phản ánh quyết tâm của các cơ quan quản lý nước này trong việc đảm bảo sự phát triển của ngành một cách có trật tự và theo quy định, đồng thời khuyến khích các thực thể tham gia cạnh tranh, qua đó Trung Quốc có thể cải thiện hiệu quả kinh tế.

Chuyên gia Wang Peng tại Trường Trí tuệ Nhân tạo Gaoling thuộc Đại học Renmin (Trung Quốc) nhận định: "Trường hợp của Meituan có sức nặng đặc biệt vì nó cho thấy sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc đối với người lao động và người giao hàng. Công nghệ là để cải thiện sinh kế của họ chứ không phải để bị lợi dụng và bóc lột".

Từ năm 2021, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã bắt đầu sửa đổi luật chống độc quyền năm 2008 của đất nước, bổ sung thêm những nội dung về nền kinh tế kỹ thuật số và tăng tiền phạt. Các sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay, theo Tân Hoa xã đưa tin vào tuần trước.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-quoc-de-xuat-quy-dinh-moi-de-nang-cao-kha-nang-chong-doc-quyen-a557811.html