Trung Quốc đến lúc ra điều kiện ngược với Mỹ

Bắc Kinh hối thúc Washington gỡ bỏ mọi thuế quan hàng hóa trước khi ngồi vào đàm phán.

Thông tin này được quan chức Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/7.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. Ảnh: AP

Theo đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã yêu cầu Washington phải gỡ bỏ hết các mức thuế đang áp đặt với Bắc Kinh nếu mong muốn có được một thỏa thuận cuối cùng chấm dứt thương chiến.

Khi được hỏi thỏa thuận đình chiến thương mại có thể kéo dài bao lâu, ông Cao Phong cũng nói rằng Trung Quốc rất hoan nghênh quyết định không áp thuế với hàng Trung Quốc của Mỹ.

Ông hy vọng, Washington giữ đúng lời cam kết của Trump về việc bỏ bớt các hạn chế với Huawei. Ngoài ra, ông Cao Phong cũng thông tin, đội ngũ đàm phán hai nước vẫn giữ liên lạc.

Tuyên bố được cho là có phần nhằm phản ứng so với thông tin từ cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Larry Kudlow về thương chiến. Ông Kudlow cho rằng, Mỹ sẽ không gỡ bỏ thuế quan trong quá trình đàm phán.

Ông Kudlow tiết lộ, giới chức Mỹ - Trung sẽ đàm phán về thương mại qua đàm thoại vào tuần tới.

Sự khác biệt giữa Mỹ- Trung này có thể khiến cho quá trình đàm phán càng thêm kéo dài. Đây cũng không phải điều nằm ngoài dự liệu của giới quan sát.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ trước đó nói về các cuộc đàm phán Mỹ - Trung cho biết quá trình đàm phán đã đạt được tới 90% nội dung trao đổi.

Nhưng Nhân dân Nhật Báo- tờ báo tiếng Anh thường được Bắc Kinh sử dụng để truyền tải thông điệp ra thế giới- đã có bài xã luận ngày 30/6 gửi đi cảnh báo, mặc dù hiện nay khả năng đạt được thỏa thuận đã trở nên lớn hơn, nhưng không gì có thể đảm bảo Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận đó.

“Mặc dù Washington đồng ý ngừng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc để dọn đường cho các cuộc đàm phán, nhưng ông Trump thậm chí vẫn mập mờ về khả năng rút lại các quyết định đối với Huawei cho tới khi kết thúc các cuộc đàm phán. Vì vậy, mọi việc vẫn còn chưa rõ ràng.

Nhất trí về 90% các vấn đề là chưa đủ, và với việc 10% còn tồn tại những sự khác biệt cơ bản thì sẽ không dễ đạt được một sự đồng thuận 100%" - tờ báo viết.

Một bài bình luận trên tờ Global Times cũng cho rằng Trung Quốc phải tiếp tục giữ vững lập trường, bởi còn nhiều thay đổi có thể xảy ra trước khi các phiên đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington được nối lại và chưa thể nói trước bất cứ điều gì.

Quả nhiên, chỉ vài giờ sau cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng mặc dù cuộc gặp (với ông Tập) mang lại kết quả tốt đẹp hơn so với kỳ vọng, song ông “không vội” đạt được một thỏa thuận thương mại.

Khi đề cập đến những cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ nêu rõ ông sẽ không vội, nhưng mọi việc có vẻ "rất tốt đẹp". Đối với ông, chất lượng quan trọng hơn nhiều so với tốc độ.

Trước đó, CNBC còn dẫn nguồn thạo tin cho hay, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các đối tác Trung Quốc rằng, sẽ không có sự cân bằng trong một thỏa thuận giữa hai nước như Bắc Kinh mong muốn.

Cụ thể, trong cuộc điện đàm ngày 24/6 giữa ông Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, phía Trung Quốc nhắc lại quan điểm rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng phải là cân bằng, xuất phát từ các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của phía Trung Quốc trong quá khứ.

Phó thủ tướng Trung Quốc nói rõ: “Văn bản phải là cân bằng và chấp nhận được đối với người dân Trung Quốc và không làm suy yếu chủ quyền và phẩm giá của đất nước”.

Tuy nhiên, ông Lighthizer đáp lại rằng, sẽ không có thương mại cân bằng, theo như yêu cầu của Bắc Kinh, vì đất nước này từng có nhiều hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trước đó, dẫn đến tình trạng hiện tại.

Theo Jian Chang, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại ngân hàng Barclays, "lệnh đình chiến" đạt được ở Osaka chưa chắc đã giúp gia tăng cơ hội Mỹ và Trung Quốc ký kết thành công một thỏa thuận thương mại.

Theo ông, việc nối lại đàm phán đơn giản là cách tốt nhất giúp bảo toàn lợi ích của cả đôi bên.

Trong khi đó, ông Michael Taylor, Giám đốc điều hành Ban châu Á - Thái Bình Dương tại tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's, cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay ngăn Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận dài hạn nằm ở việc hai bên thiếu cơ chế chung để giải quyết các bất đồng trước những vấn đề cốt lõi như công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chính sách hay việc đảm bảo công bằng cho các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.

"Đàm phán vẫn có thể đổ vỡ và nguy cơ hai bên tiếp tục tung đòn thuế nhằm vào nhau vẫn còn" - ông Michael Taylor cảnh báo.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-den-luc-ra-dieu-kien-nguoc-voi-my-3383187/