Trung Quốc đến xâm nhập từ phía Nam

Xin được giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia Nga Genadi Granovski về kết quả chuyến thăm Ý mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự:” Nga ngày 27/3/2019. Ảnh trong bài là của tác giả, chúng tôi có đưa thêm bản đồ Ý để dễ hình dung.

Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã dành những ngày cuối tuần của mình cho nước Ý trong chuyến thăm cấp nhà nước trong hai ngày.

Về chuyến thăm Ý này của chủ tịch Tập, Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đưa tin từ ngày thứ hai trước đó và ngay lập tức thông tin này đã gây một loạt các phản ứng lo lắng tại những thủ đô quan trọng nhất của châu Âu.

Ý đã “lọt” vào khu vực lợi ích của Thiên Triều

Vấn đề (làm cho thủ đô một số nước Châu Âu lo lắng) là ở chỗ Chủ tịch Tập đến Ý để chuẩn bị khai thông “Con đường tơ lụa mới” vào Châu Âu qua ngả phía Nam của Châu lục này.

Người Trung Quốc trù tính xây dựng các cảng để trung chuyển hàng hóa của mình. Hiện nay các tàu chở container hàng hóa Trung Quốc được dỡ hàng chủ yếu tại các cảng phía Bắc Châu Âu: Rotterdam, Antwerp, Hamburg và Bremerhaven.

Từ bán đảo Apennine (Báo đảo Ý) đến các cảng này, thời gian hành trình kéo dài khoảng từ 5 đến 6 ngày. Do đó, sẽ hợp lý hơn nhiều nếu dỡ container ở Ý và sau đó tiếp tục vận chuyển chúng bằng đường bộ hoặc đường sắt.

Bắc Kinh đã từng có những kinh nghiệm như vậy. Vào mùa thu năm 2009, khi Hy Lạp bắt đầu lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ kéo dài, Công ty nhà nước Trung Quốc COSCO đã thuê một nửa cảng container tại cảng Piraeus, gần Athens.

Sau khi giải quyết được một số vấn đề khó khăn kinh tế, Chính phủ Hy Lạp bắt đầu thực hiện chủ trương bán các tài sản nhà nước. Năm 2016, cảng Piraeus cũng được rao bán. Công ty COSCO dễ dàng có được gói cổ phần kiểm soát của cảng và trở thành ông chủ sở hữu toàn bộ cảng Piraeus.

Bắc Kinh đến lúc đó đã sẵn sàng cho kịch bản như vậy. Hai năm trước, Trung Quốc có ý định thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Piraeus đến Trung Âu. Tuyến đường sắt cao tốc này dự tính sẽ chạy từ Hy Lạp qua Bắc Macedonia, Serbia và Hungary.

Nhưng Brussels (Liên minh Châu Âu) đã không cho phép người Trung Quốc triển khai kế hoạch trên và lấy cái cớ là Hungary đã vi phạm các quy tắc tổ chức đấu thầu thực hiện dự án nên phong tỏa việc làm đoạn đường Serbia-Hungary.

Các chuyên gia cho rằng những khúc mắc này sớm muộn cũng sẽ được giải quyết theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tuy vậy, ngay cả với cơ sở logistics như hiện đang có, lượng container trung chuyển qua cảng Piraeus trong năm ngoái (2018) tính từ khi người Trung Quốc khai thác cảng này đã tăng tới 6 lần.

Một dự án tương tự như vậy cũng đang được Bắc Kinh dự tính thực hiện tại bán đảo Apennine (bánđảo Ý). Ở đây dứt khoát có sự trùng hợp nhất định (với trường hợp Hy Lạp-ND). Nước Ý bây giờ cũng đang gánh một khoản nợ khổng lồ và một nền kinh tế đang suy yếu.

Xét về mặt lý thuyết, khoản đầu tư của Trung Quốc có thể giúp hồi sinh phần nào nền kinh tế Ý. Nhưng các chính khách Châu Âu lại cảnh báo các đồng nghiệp người Ý của mình rằng: lợi nhuận chủ yếu thu được từ dự án mới này sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Đó là: các công ty Trung Quốc sẽ nhận các đơn đặt hàng xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng giao thông, và số tiền kiếm được từ những công việc này sẽ được các công ty Trung Quốc chuyển về nhà (Trung Quốc).

Bắc Kinh quan tâm đến hai cảng của Ý. Cả hai cảng này đều ở phía Bắc nước Ý, ngay cạnh mạng sườn Châu Âu – đó là cảngTrieste trên bờ biển Adriatic và cảng Genova trên biển Ligurian.

Từ Genova có một tuyến đường chạy thẳng đến Tây Âu, từ Trieste (có tuyến đường) thẳng đến Trung Âu. Các tuyến đường mới sẽ là phương án tối ưu hiện thực hóa chiến lược "Con đường Tơ lụa mới" - một dự án kết hợp “hài hòa” (nguyên văn- một cách hữu cơ-ND) các lợi ích kinh tế và lợi ích địa- chiến lược của Thiên Triều.

Tại sao Phương Tây bỏ phiếu 'chống '?

Có rất nhiều người ở Phương Tây không hề thích các “kế hoạch Ý” của Bắc Kinh. Và không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Những cám dỗ do nền kinh tế Trung Quốc mang lại đã không còn hấp dẫn đối với các chính trị gia Phương Tây từ hai năm trước.

Khi đó (hai năm trước), lần đầu tiên các chính khách Phương Tây mới “ngộ ra” rằng nấp dưới các khẩu hiệu về tự do hóa thương mại toàn cầu, Bắc Kinh đang hối hả bành trướng các công ty do Đảng (CSTQ) và nhà nước (Trung Quốc) kiểm soát trên khắp thế giới, còn chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc với những tiềm năng phong phú và những kế hoạch rất dài hạn đã lớn mạnh đến mức trở thành một đối thủ cạnh tranh lấn lướt nền kinh tế thị trường tự do.

Giọng điệu của Phương Tây ngay lập tức thay đổi khác (từ 2 năm trở lại đây). Tại Diễn đàn kinh tế thế giới gần đây ở Davos, ông trùm tài chính nổi tiếng người Mỹ George Soros đã gọi Chủ tịch CHNDTH, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình là “đối thủ nguy hiểm nhất của các xã hội mở”.

Những đánh giá tương tự cũng xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông đại chúng Phương Tây. Tạp chí hàng tuần theo xu hướng tự do cánh tả Đức “Der Spiegel” đã nhận định rằng sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc là hành động "coi thường những nguyên tắc chung đã được kiểm nghiệm”.

Còn Tạp chí thông tin- chính trị “Focus” thì nhắc nhở về “những tham vọng rất lớn” của Tập Cận Bình,- vì ông ta vừa mới tuyên bố tại Đại hội ĐCS (Trung Quốc) mới đây rằng: “Trung Quốc cần phải một lần nữa trở thành trung tâm của thế giới – trung tâm kinh tế, trung tâm công nghệ, trung tâm chính trị và quân sự”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-den-xam-nhap-tu-phia-nam-3377236/