Trung Quốc điều đội tàu phá băng hùng hậu nhất xuống Nam cực xây trạm

Ngày 1/11, hai tàu phá băng và một tàu chở hàng của Trung Quốc lên đường đến Nam cực với hơn 460 người, để hoàn thành việc xây dựng trạm thứ 5 của Trung Quốc ở lục địa xa nhất của thế giới ở phía nam.

Tàu phá băng Tuyết Long 2 trong lễ hạ thủy ở Thượng Hải năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Đội tàu nghiên cứu hùng hậu nhất của Trung Quốc được điều đến Nam cực sẽ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng trạm trên hòn đảo đầy đá và lộng gió gần biển Ross, một vịnh sâu ở Nam Đại dương được đặt tên theo nhà thám hiểm người Anh hồi thế kỷ 19.

Trung Quốc đã có 4 trạm nghiên cứu ở Nam cực, xây từ năm 1985-2014. Theo một viện nghiên cứu ở Mỹ, trạm thứ 5 (khởi công năm 2018) có thể được hoàn thành trong năm tới.

Trạm này dự kiến sẽ có một đài quan sát và trạm vệ tinh mặt đất, sẽ giúp Trung Quốc “lấp vào khoảng trống lớn” trong năng lực tiếp cận lục địa này, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) viết trong báo cáo công bố năm nay.

Theo báo cáo, trạm này nằm ở vị trí có thể thu thập tín hiệu tình báo từ Úc và New Zealand, cũng như tín hiệu từ xa của Trung tâm vũ trụ Arnhem mới của Úc.

Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng các trạm này sẽ được dùng để do thám.

Hai tàu phá băng Tuyết Long 1 và Tuyết Long 2 rời bến Thượng Hải với đội ngũ cán bộ, kỹ sư và trang thiết bị hậu cần.

Tàu hàng Thiên Huệ chở theo vật liệu để xây dựng trạm, khởi hành từ Trương Gia Cảng ở miền đông.

Chuyến đi kéo dài 5 tháng sẽ thực hiện cả nhiệm vụ nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Hai tàu phá băng sẽ khảo sát môi trường ở Vịnh Prydez, thuộc biển Phi hành gia ở Nam cực, biển Ross và biển Amundsen ở phía tây.

Chuyến đi thứ 40 của Trung Quốc đến Nam cực sẽ có cả hoạt động hợp tác với một số nước như Mỹ, Anh, và Nga về hậu cần, báo chí trong nước cho biết.

Tú Linh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-dieu-doi-tau-pha-bang-hung-hau-nhat-xuong-nam-cuc-xay-tram-post1583347.tpo