Trung Quốc đình chỉ đối thoại kinh tế cấp cao với Australia

Ngày 6/5, hãng AFP đưa tin Trung Quốc đã quyết định 'đình chỉ vô thời hạn' đối thoại thương mại, kinh tế cấp cao với Australia, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng.

Trung Quốc đình chỉ đối thoại kinh tế với Australia. Ảnh: SCMP

Trung Quốc đình chỉ đối thoại kinh tế với Australia. Ảnh: SCMP

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một thông cáo ngắn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc cũng cho biết mọi hoạt động nằm trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia đã bị “đình chỉ vô thời hạn”.

Theo nguồn tin này, quyết định của Trung Quốc “là do thái độ gần đây của Chính phủ Australia đối với quan hệ hợp tác giữa hai nước”.

Thông cáo có đoạn nêu rõ: “Gần đây, một số quan chức Chính phủ Australia đã tiến hành một loạt hành động nhằm làm đổ vỡ quan hệ hợp tác và trao đổi giữa Trung Quốc và Australia, với tư duy thời Chiến tranh Lạnh và phân biệt đối xử về tư tưởng”.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tháng 9/2017 ra một thông cáo cho hay “Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc-Australia là một cơ chế quan trọng nằm trong các cuộc gặp thường kỳ của thủ tướng hai nước, đồng thời là một phần quan trọng của các cơ chế khác nhằm thúc đẩy hợp tác song phương”.

Giới quan sát đánh giá bước đi quyết liệt của Trung Quốc nhằm bắn tín hiệu về sự tức giận của Bắc Kinh đối với những diễn biến thời gian qua trong quan hệ song phương. Ngay sau khi có thông tin trên, đồng đôla Australia đã sụt giá khá mạnh.

Động thái này diễn ra sau khi Australia tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với lý do thỏa thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của Canberra.

Ngày 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết bà đã hủy 4 thỏa thuận của chính quyền Victoria, trong đó có hai thỏa thuận liên quan tới BRI là Bản ghi nhớ năm 2018 giữa chính quyền bang và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc và Thỏa thuận khung năm 2019, được xây dựng dựa trên Bản ghi nhớ năm 2018. Hai thỏa thuận còn lại là thỏa thuận năm 2004 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo của bang với Iran và thỏa thuận hợp tác khoa học năm 1999 với Syria.

Ngoại trưởng Payne khẳng định cả 4 thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020

Quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Australia tiến hành xem xét lại hơn 1.000 thỏa thuận với nước ngoài được thực hiện giữa các bang và vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương và các trường đại học của nước này. Ngoại trưởng Payne cho biết bà sẽ tiếp tục đánh giá các thỏa thuận nước ngoài được thông báo trong chương trình bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, nhưng hy vọng "đa số" sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo Hiến pháp Australia, chính phủ liên bang có trách nhiệm trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Các bang thường phụ trách lĩnh vực y tế và giáo dục nhưng trên thực tế thường xuyên xảy ra sự chồng chéo.

Australia đã thực hiện các bước để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này, bao gồm cả việc cấm "gã khổng lồ" viễn thông gây tranh cãi Huawei tham gia dự án triển khai mạng 5G và siết chặt luật đầu tư nước ngoài đối với các tập đoàn.

Về phần mình, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho rằng đây là một động thái “vô lý” và “khiêu khích” khác của Australia đối với Trung Quốc, và sẽ chỉ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương.

Việc Australia hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia BRI có thể khiến các công ty Australia làm ăn với Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn lớn hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch quốc gia của Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc - Australia (ACBC) David Olsson ngày 22/4 cho biết các công ty Australia xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường nước ngoài đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác với các đối tác thương mại Trung Quốc.

Ông Olsson nói: “Một số đang theo đuổi các chiến lược đa dạng hóa thị trường, trong khi nhiều doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại và nhà cung cấp vốn, do đó tích cực phát triển các chiến lược để đảm bảo sự kết nối với thị trường này".

Trong khi giới kinh doanh Australia-Trung Quốc dự báo quyết định hủy bỏ BRI trên sẽ làm căng thẳng thêm các mối quan hệ chính trị với Trung Quốc cũng như khả năng phải đón nhận các biện pháp trả đũa nặng nề hơn từ phía Trung Quốc, ông Olsson cho rằng, quyết định chấm dứt thỏa thuận BRI không phải là điều bất ngờ, dù ở Australia hay ở Bắc Kinh, trong bối cảnh địa - kinh tế đang có những thay đổi nhanh chóng.

Đại sứ Australia tại Trung Quốc, Graham Fletcher, gần đây cũng đã cảnh báo các công ty Australia làm ăn với Trung Quốc về khả năng cường quốc châu Á này áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại vì các lý do chính trị.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-dinh-chi-doi-thoai-kinh-te-cap-cao-voi-australia-20210506100650385.htm