Trung Quốc đối mặt với triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm?

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, nhà báo kinh tế Stephen Bartholomeusz viết, lần đầu tiên sau gần 30 năm, Trung Quốc đã từ bỏ việc đặt mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế.

Hàng hóa xếp tại cảng Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng hóa xếp tại cảng Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Đây được coi là một tín hiệu bất lợi đối với cường quốc lớn thứ hai thế giới, cũng như tham vọng lãnh đạo toàn cầu mà nước này đang hướng tới, nhưng đây cũng không phải là tin tức tốt dành cho các quốc gia khác.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc ngày 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã viện dẫn đại dịch COVID-19 và “tình hình kinh tế, thương mại quốc gia” là lý do để Trung Quốc không thiết lập mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng kinh tế.
Sau khi tuyên bố tăng trưởng 6,1% vào năm ngoái, cường quốc lớn nhất châu Á đã trải qua mức sụt giảm 6,8% trong quý I/2020, giữa bối cảnh đại dịch bùng phát dữ dội ở thành phố Vũ Hán, gây ảnh hưởng tồi tệ trên cả nước.
Mặc dù hoạt động công nghiệp đã phục hồi vào tháng Tư, khi tình trạng phong tỏa được gỡ bỏ, với sản lượng công nghiệp tăng 3,9% và tiêu thụ than trở lại mức bình thường, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc vẫn nằm dưới mức trước đại dịch.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 1,2% trong năm nay. Một số khác cho rằng con số này nằm trong ngưỡng từ 2-3%.
Trung Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 10% từ cuối những năm 1970. Giờ đây, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng cho thấy nền kinh tế nước này đã bị tàn phá nặng nề, không chỉ từ ảnh hưởng của đại dịch mà còn do tác động liên tục từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ những rủi ro sẽ xảy ra nếu thất nghiệp và căng thẳng xã hội gia tăng trong một nền kinh tế, nơi có gần 400 triệu người đang phải sống với mức thu nhập dưới 5,5 USD/ngày. Điều này lý giải vì sao Bắc Kinh luôn theo đuổi mức tăng trưởng cao.
Nhưng khả năng quản lý suy thoái kinh tế của Trung Quốc lại đang bị hạn chế bởi những “di sản” trong quá khứ và các thiệt hại mà cuộc chiến thương mại của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra đối với nền kinh tế.
Vấn đề “di sản” liên quan tới những biện pháp đối phó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008. Nước này khi đó đã khởi động một chương trình kích thích lớn nhất thế giới. Con số công bố cho thấy Bắc Kinh đã bơm 600 tỷ USD tương đương khoảng 13% GDP vào nền kinh tế. Nhưng có vẻ như thực tế còn lớn hơn đáng kể.
Hầu hết các khoản tiền được đầu tư vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở khổng lồ. Đáng tiếc là phần lớn trong số đó đã bị lãng phí, dẫn đến việc xuất hiện rất nhiều “thành phố ma” và cơ sở hạ tầng không được sử dụng đúng mức, trong khi các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng nợ nần.
Điều này cũng khiến cho khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc (bị chi phối bởi các công ty trực thuộc hoặc chịu kiểm soát của nhà nước) có mức nợ trên GDP cao nhất thế giới, gần 160% GDP, và một mức đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính cao, đe dọa đến sự ổn định của thị trường này.
Trong vài năm gần đây, việc giảm đòn bẩy và “làm sạch” các doanh nghiệp nhà nước là một trọng tâm chính của chính quyền trung ương Trung Quốc. Nhưng vào năm ngoái, cuộc chiến thương mại đã kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, làm phức tạp thêm các nỗ lực cải cách tài chính và buộc nước này phải đẩy thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, cũng như cung cấp vốn cho cơ sở hạ tầng, giảm trừ thuế và các biện pháp kích thích khác.
Điều này cũng hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc đối phó với đại dịch mà không sử dụng đến biện pháp đòn bẩy kinh tế và hệ thống tài chính, vốn được cho rằng đã bị lạm dụng quá mức.
Trong bài phát biểu cuối tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đã đặt ra một mục tiêu sửa đổi là tạo ra 9 triệu việc làm đô thị trong năm nay – mức thấp nhất kể từ năm 2013 – và tập trung vào việc giảm thâm hụt ngân sách khoảng 3,6% GDP, tăng từ mức 2,8% vào năm 2019.
Kích thích tài khóa trong một gói các biện pháp, vừa được ông Lý Khắc Cường công bố, ước tính chiếm tới 4% GDP. Con số này tương tự quy mô của gói kích thích năm 2008, tính bằng đồng USD.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Trung Quốc trở nên yếu đi và khả năng linh hoạt để ứng phó với đại dịch bị hạn chế, liên quan tới vị thế của quốc gia này trước cuộc khủng hoảng tài chính, thì triển vọng kinh tế của cường quốc lớn nhất châu Á trong thời gian tới sẽ ít khả quan hơn.
Cuộc chiến thương mại đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các công ty không chỉ của Mỹ, tìm cách giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Trái với tham vọng của Chính quyền Tổng thống Trump, hoạt động sản xuất không “chảy ngược” về Mỹ, mà hướng tới các nền kinh tế khác ở châu Á, cũng như Mexico và Canada.
Mặc dù vậy điều đó cũng không ngăn Mỹ ngừng gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Washington đã siết chặt hơn nữa mối đe dọa hạn chế khả năng cung cấp linh kiện cho tập đoàn công nghệ Huawei, một nỗ lực nhằm giảm nguồn cung lớn nhất đối với công ty của Trung Quốc, bằng cách khăng khăng kiểm soát một bản danh sách các công ty Mỹ và ý định của ông Trump về việc làm sao cắt giảm “toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc.
Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích trên toàn cầu về việc đã không đưa ra cảnh báo kịp thời đối với sự bùng phát của đại dịch. Áp lực gia tăng từ Mỹ, cũng như tác động của COVID-19, đã không đem tới dự báo tốt lành cho triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Vài năm nay, Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc chuyển đổi động lực trong nền kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng, hiện chiếm khoảng 60% tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, tác động từ cuộc chiến thương mại đối với xuất khẩu và ảnh hưởng của đại dịch vào lĩnh vực tiêu dùng vẫn đang tăng mạnh.
Tác động của đại dịch có thể hoặc không phải là nhất thời, nhưng căng thẳng thương mại, việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng và áp lực giảm sự phụ thuộc của thế giới phát triển vào Trung Quốc sẽ tác động đáng kể.
Australia, cùng các nền kinh tế phát triển khác, sẽ vẫn phải dựa vào Trung Quốc để thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia, cũng như sự phát triển toàn cầu. Câu hỏi đặt ra ở đây là, với mô hình tăng trưởng đã được Trung Quốc duy trì trong hơn 40 năm qua và tạo ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu nước này có thể tiếp tục phát triển thành công và liền mạch như trong quá khứ hay không?/.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-doi-mat-voi-trien-vong-tang-truong-kinh-te-am-dam/158519.html