Trung Quốc đối phó với áp lực kinh tế giảm tốc

Từ ngày 15/5, cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ.

Mấy năm gần đây, phương hướng chính sách tổng thể của Trung Quốc là "ổn định, phát triển", chú ý điều chỉnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở ổn định nội nhu. Về tài chính, giảm thuế, giảm phí, nỗ lực xử lý nợ địa phương, về tiền tệ tiếp tục duy trì sự dồi dào hợp lý của lưu động tiền tệ.

Quyết tâm đối phó áp lực kinh tế giảm tốc

Đối với thị trường toàn cầu, Trung Quốc là trung tâm lớn nhất của ngành sản xuất chế tạo thế giới và khả năng cạnh tranh quốc tế của các ngành và sản phẩm ngày càng tăng. Trung Quốc cũng là quốc gia thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, thị phần lớn nhất thế giới. Chính sách duy trì ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ giúp các nước khác tìm thấy yếu tố và sức mạnh tương đối ổn định trong điều kiện bất ổn của thị trường. Sự ổn định của tỷ giá NDT có lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng niềm tin vào thị trường toàn cầu.

Ông Mundell, Người đoạt giải Nobel về kinh tế, dự đoán rằng trong tương lai sẽ có ba loại tiền tệ chính trên thế giới, đó là đồng USD Mỹ, đồng Euro và đồng NDT. Cơ chế hình thành tỷ giá NDT đã liên tục được cải thiện, mức tỷ giá NDT đã ổn định và vươn xa, điều này sẽ giúp cải thiện vị thế quốc tế của đồng tiền này.

Trung Quốc tiếp tục phát triển các nghành công nghệ cao nhằm đưa nền kinh tế lên nấc thang phát triển cao hơn.

Trung Quốc tiếp tục phát triển các nghành công nghệ cao nhằm đưa nền kinh tế lên nấc thang phát triển cao hơn.

Trong những năm gần đây, khi các lực lượng bảo thủ cánh hữu ở các nước phát triển trỗi dậy, hiện tượng phản đối toàn cầu hóa ngày càng trở nên rõ ràng, chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến tính bất ổn và tính không thể đoán trước cho thị trường toàn cầu.

Sau khi Tổng thống Mỹ Trump đột ngột chỉ trích tiến độ đàm phán thỏa thuận thương mại "quá chậm chạp" và sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vừa và nhỏ từ ngày 15/5 nhằm hỗ trợ các công ty đang phải đương đầu với sự sụt giảm của tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ xuất 280 tỉ NDT (57 tỉ USD) vốn vay dài hạn cho các công ty tư nhân nhỏ; đồng thời cắt giảm tỉ lệ RRR cho khoảng 1000 ngân hàng thương mại ở khu vực nông thôn xuống 8%. Động thái này sẽ giúp giảm chi phí cho vay với các công ty nhỏ và siêu nhỏ hiện đang chịu mức RRR từ 10-11,5%.

Động thái ấy cho thấy Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát nợ nhằm xoa dịu thị trường, giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại và phát đi thông điệp rằng Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp kích thích trong những thời điểm khó khăn nhất dù với mức độ không quá mạnh. Tuyên bố cắt giảm mức RRR của Ngân hàng Trung ương còn cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị trong trường hợp đàm phán thương mại với Mỹ thất bại.

Kinh tế Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới

Hiện tại, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 từ 3,6% xuống 3,3%; trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,9% xuống 3,6%. Dưới tình hình chính sách thương mại ngày càng không chắc chắn, quan hệ hợp tác giữa chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu, quan hệ đối tác kinh doanh của các mạng lưới sản xuất khu vực cũng đang đối mặt với áp lực và thách thức to lớn. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu lo ngại về sự xuất hiện của "thiên nga đen" (sự cố không lường trước nghiêm trọng chưa từng biết của thị trường tài chính) và "tê giác xám" (nguy cơ bong bóng bất động sản Trung Quốc phát nổ), xu hướng ổn định tỷ giá NDT rõ ràng đã trở thành một yếu tố tương đối ổn định trong việc đánh giá xu hướng kinh tế và thương mại quốc tế. Xu hướng ổn định của tỷ giá NDT không chỉ có lợi cho việc Trung Quốc ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định việc làm và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao, mà sau khi phục hồi về trạng thái bình thường, có lợi cho việc thúc đẩy mở rộng và mở cửa ngành tài chính, hình thành mô hình phát triển thị trường tài chính cạnh tranh hơn, nâng cao chất lượng và mức độ phát triển của ngành tài chính và phục vụ sự phát triển ổn định của nền kinh tế thực.

Ludger Schuknecht, Phó Tổng Thư ký OECD, cảnh báo, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng; một mặt việc tái cân bằng kinh tế sẽ dẫn đến liên tục giảm tốc, nợ doanh nghiệp cao có thể nảy sinh rủi ro tiền tệ; mặt khác kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang đứng trước ngã tư đường, nếu muốn duy trì vị thế mạnh lâu dài thì sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng. OECD cho rằng, trọng điểm chính sách của Trung Quốc là cần tiếp tục giảm thuế nhập khẩu, hủy bỏ hàng rào phi quan thuế, hủy bỏ hạn chế tiếp cận và hành vi đối với các công ty nước ngoài, đặc biệt là hủy bỏ yêu cầu thành lập công ty liên doanh hoặc chuyển giao kỹ thuật.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng tiếp theo của kinh tế Trung Quốc vẫn đứng trước áp lực suy giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, thương mại đi vào chu kỳ suy giảm, thị trường đất đai chuyển sang giai đoạn đóng băng, tiêu dùng trở thành nhân tố chủ yếu ổn định nội nhu. Áp lực lạm phát tăng cao song không ảnh hưởng thực chất tới chính sách tiền tệ.

Ngày 16/4, OECD công bố báo cáo "Điều tra kinh tế Trung Quốc" kỳ mới nhất. Ludger Schuknecht cho rằng mặc dù kinh tế giảm tốc nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế thế giới, tiếp tục đuổi sát các nền kinh tế phát triển, trong năm nay và năm sau vẫn duy trì tăng trưởng trên 6%. /.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-doi-pho-voi-ap-luc-kinh-te-giam-toc-20190509142925343.htm