Nghi án GS. Nguyễn Đức Tồn đạo văn: Cố tình lấp liếm hay chưa 'sạch nước cản' trong trích dẫn?

GS.TS Nguyễn Đức Tồn lúc thì khẳng định chính ông đã dịch luận án của mình sang tiếng Việt đưa cho nghiên cứu sinh thực hiện, lúc thì ngụy biện có chú thích ở trong sách từ tư liệu của học trò.

Theo GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, vào năm 2002, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học nhưng không được thông qua vì tình nghi đạo văn từ công trình “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt”.

Tuy nhiên, năm 2006, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng chức danh giáo sư cấp cơ sở Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội và đã được bỏ phiếu để thông qua.

Và khi tiến hành đối chiếu các văn bản, một số nhà khoa học nhận thấy nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thúy Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong công trình của ông Tồn.

Bị truy vấn, ông Tồn thừa nhận đã dịch luận án của mình sang tiếng Việt đưa cho nghiên cứu sinh của mình. Ông Tồn còn thanh minh là không đạo văn của nghiên cứu sinh này, nhưng đã mắc sai lầm nghiêm trọng là đã giúp đỡ nghiên cứu sinh quá mức cần thiết. Rõ ràng, đây chỉ là những lời ngụy biện mà thôi!

Bị các nhà khoa học và phương tiện truyền thông phanh phui, ông Tồn vẫn quanh co cho rằng, khi sử dụng thì ông có chú thích, kể cả luận văn của Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh (luận văn tốt nghiệp đại học, luận án Tiến sĩ).

Trích dẫn tài liệu tham khảo không đúng từ luận án của Nguyễn Thúy Khanh.

Trích dẫn tài liệu tham khảo không đúng từ luận án của Nguyễn Thúy Khanh.

Theo PGS. TS. Hoàng Dũng, trong cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), ở các trang 131, 235, ông Tồn có chú thích: “Chương này được hoàn thành trên cơ sở dữ liệu của luận văn [47]”, ở các trang 111, 197 – “Chương này được hoàn thành trên cơ sở dữ liệu của luận án [30]” (luận văn [47] là của Cao Thị Thu, luận án [30] là của Nguyễn Thúy Khanh).

Tuy nhiên, cả một chương sách của ông Tồn (từ 15-20 trang) hầu như trùng hoàn toàn về nội dung với những trang sách trong luận văn, luận án, dù là đã nói rõ nguồn thì cũng không thể coi là dẫn lời (vì không có mở và đóng ngoặc kép), cũng không thể coi là dẫn ý (vì không thể có ý nào dài 15-20 trang).

Trích dẫn tài liệu tham khảo không đúng từ luận văn của Cao Thị Thu.

Lẽ ra, cuốn sách của ông Tồn phải được ghi tên là những đồng tác giả. Ông Tồn đã từng viết tiểu luận, khóa luận, luận văn, rồi luận án, lẽ nào ông lại không “sạch nước cản” trong việc trích dẫn nguồn ngữ liệu?

Sau khi Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học có kết luận chính thức, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cần nhanh chóng xem xét và xử lí nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Video: 4 cách kiểm tra đạo văn trong bài viết trên website chính xác 100%

PHAN THẾ HOÀI

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nghi-an-gs-nguyen-duc-ton-dao-van-co-tinh-lap-liem-hay-chua-sach-nuoc-can-trong-trich-dan-d400070.html