Trung Quốc đột phá công nghệ dưới sức ép của Mỹ

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc đã kích thích các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh sáng tạo và mang lại nhiều đột phá trong lĩnh vực công nghệ.

Alibaba tự sản xuất chip AI để hỗ trợ các thuật toán tìm kiếm

Alibaba tự sản xuất chip AI để hỗ trợ các thuật toán tìm kiếm

Vừa qua, Alibaba đã cho ra mắt một loại chip AI có tên là Hanguang 800 hiện đang được sử dụng để hỗ trợ các thuật toán tìm kiếm trên nền tảng thương mại của hãng. Theo đó, con chip này có khả năng xử lý các nhiệm vụ điện toán nhanh gấp 12 lần so với các con chip thông thường.

Không chỉ riêng Alibaba, MELUX- một startup của Trung Quốc, đã phát triển công nghệ nhận diện tĩnh mạch bàn tay. Công nghệ này hoạt động bằng cách nhận dạng các tĩnh mạch cùng nhiều đặc điểm khác trong lòng bàn tay. Cách nhận dạng này được đánh giá là có thể chính xác gấp cả triệu lần so với nhận diện khuôn mặt.

Không thể phủ nhận Trung Quốc đã thực sự có những bước tiến lớn trong trong những lĩnh vực đầy thách thức như trí tuệ nhân tạo. Mặc dù với xuất phát điểm bằng cách sao chép những gì người Mỹ đã làm, nhưng nay các công ty công nghệ Trung Quốc đã tìm được lối đi riêng cho mình, góp phần giúp quốc gia này có sự phát triển vượt bậc về công nghệ so với bất kỳ các quốc gia nào khác.

Trước đây, các chuyên gia đều cho rằng, Mỹ là siêu cường công nghệ số một của thế giới và Thung lũng Silicon là cái nôi của đổi mới và sáng tạo toàn cầu. Trong khi Trung Quốc được coi là một bản sao vụng về của Mỹ hoặc thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập để "đánh cắp" bí quyết công nghệ.

Tuy nhiên, ngày nay khi nói đến 5G, Mỹ đã bị tụt lại phía sau, không có công ty Mỹ nào có thiết bị không dây kết nối 5G như Huawei. Hay trong lĩnh vực sản xuất robot, theo Liên đoàn Robotics quốc tế có trụ sở tại Frankfurt, chỉ riêng năm 2018, khoảng 154.000 robot đã được lắp đặt tại các nhà máy Trung Quốc, nhiều hơn tổng sản lượng sản xuất robot của Châu Âu và Châu Mỹ cộng lại.

Trong lĩnh vực AI, cho đến nay, Trung Quốc đã thu hút khoảng 60% tổng đầu tư AI toàn cầu, và đã vượt qua Mỹ và Nhật để trở thành quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế về AI nhất thế giới.

Có thể thấy, sau 2 thập kỷ trở thành "công xưởng" của thế giới nhờ vào lao động giá rẻ, việc sụt giảm mạnh về lực lượng lao động của Trung Quốc khi quốc gia này bắt đầu có dấu hiệu già hóa dân số, cùng mức lương trung bình hàng năm của công nhân sản xuất tại Trung Quốc không ngừng tăng lên, đã đặt ra vấn đề cấp thiết cho Bắc Kinh đột phá phát triển công nghệ.

"Khi lợi thế chi phí của Trung Quốc mất dần, đổi mới công nghệ đã trở thành phương tiện để các nhà sản xuất Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh. Mặt khác, đây cũng là cách để Trung Quốc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thế giới và bắt kịp các đối thủ phương Tây", ông Jack Zeng, Giám đốc Viện Thiết kế Công nghiệp Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi để trở thành cường quốc công nghệ

Tuy nhiên, điểm yếu của Trung Quốc là vẫn chưa sản sinh ra nhiều ông lớn công nghệ toàn cầu ngoài các tập đoàn viễn thông như Huawei và ZTE. Việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ cũng là một điểm yếu của Trung Quốc.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã có một số thay đổi lớn trong các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy thực thi những quy định này nhưng vẫn không thể tạo ra biến chuyển đáng kể trong các khía cạnh như chuyển giao công nghệ hay cấp phép kinh doanh...

Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư mạo hiểm yếu dần đã khiến ba startup công nghệ lớn của Trung Quốc phải hoãn hoặc hủy kế hoạch huy động vốn. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy thời kỳ phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã bắt đầu yếu đi.

Một chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã là nước lớn trong ngành công nghệ, nhưng chưa phải cường quốc trong lĩnh vực này khi vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước phương Tây. Nhưng cũng đã đến lúc các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, cho Trung Quốc một vị trí công bằng hơn trong cuộc đua sáng tạo công nghệ ngày nay.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/trung-quoc-dot-pha-cong-nghe-duoi-suc-ep-cua-my-158511.html