Trung Quốc dùng học sinh để phát triển vũ khí AI

Đây là bằng chứng cho thấy mối quan tâm lớn của Trung Quốc trong ứng dụng AI vào quân sự.

Một nhóm các học sinh xuất sắc nhất tại Trung Quốc vừa được tuyển thẳng từ trường trung học để trở thành các nhà khoa học trẻ nhất trên thế giới về vũ khí trí tuệ nhân tạo, theo Business Insider.

27 nam sinh và 4 nữ sinh, tất cả đều từ 18 tuổi trở xuống, được lựa chọn cho một chương trình 4 năm về “thí nghiệm lập trình cho hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo” tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh (BIT) từ hơn 5.000 ứng cử viên.

Binh sĩ PLA tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào tháng 9 năm 2015 . Ảnh: Reuters

Binh sĩ PLA tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào tháng 9 năm 2015 . Ảnh: Reuters

Một đội ngũ chưa từng có

BIT là một trong những viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu của Trung Quốc và việc đưa ra chương trình mới này là bằng chứng cho thấy sự quan tâm của chính phủ Trung Quốc trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân sự.

Trung Quốc đang chạy đua với Mỹ và các cường quốc khác trong phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chiến tranh. Từ tàu ngầm tự hành cho tới cấu robot siêu nhỏ vào mạch máu con người.

“Những thiếu niên này đặc biệt giỏi, nhưng chỉ giỏi thì chưa đủ” một giáo sư ẩn danh ở BIT cho biết.

“Chúng tôi còn tìm kiếm thêm các nhân tố khác như suy nghĩ sáng tạo, ý chí chiến đấu cao, kiên định vượt qua các thử thách”, ông này nói thêm. “Đam mê phát triển vũ khí mới là một đức tính cần có, và đương nhiên, cũng cần phải ái quốc”.

Mỗi học sinh được 2 nhà khoa học vũ khí hướng dẫn, một người về kiến thức hàn lâm và một người về quốc phòng, theo như chương trình đào tạo giới thiệu.

Sau khi hoàn thành một khóa học ngắn vào học kì đầu tiên, các học sinh sẽ được chọn chuyên ngành, như cơ khí động lực, điện- điện tử hoặc tổng quan về thiết kế vũ khí. Sau đó họ được thực tập tại một phòng thí nghiệm quốc phòng để phát triển kĩ năng làm việc.

Sinh viên Qi Yishen ở tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc cho biết mình có đam mê với súng đạn và vũ khí từ khi còn nhỏ và rất thích đọc các tạp chí, sách báo về chủ đề này.

Bên cạnh việc được phỏng vấn ứng tuyển cho chương trình BIT, Qi cũng được đại học Tsinghua, một trong những trường hàng đầu ở Trung Quốc gọi dự tuyển. Cả 2 trường hẹn gặp cùng một ngày.

Thế giới khó tránh khỏi những cuộc chiến tranh kết hợp AI. Ảnh: Teslarati.

“Khi tôi tới Bắc Kinh, tôi chần chờ ở trạm xe lửa khá lâu. Nhưng khi đến BIT, tôi không cưỡng lại được sức hấp dẫn”, Qi nói. Qi cũng cho biết bản thân ảnh hưởng từ người cha, ông muốn con mình làm việc ở mảng quốc phòng.

BIT đã triển khai chương trình này tại trụ sở của công ty Norinco, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Trung Quốc. “Chúng tôi đang khai phá một lĩnh vực trước đây chưa ai từng làm”, sinh viên Cui Liyan cho biết.

Sau khi hoàn thành khóa học 4 năm, các sinh viên sẽ được học tiếp PhD và trở thành các chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo.

Chương trình gây lo ngại

Eleonore Pauwels, nghiên cứu sinh ngành công nghệ máy tính tại Viện Nghiên cứu Chính sách, thuộc Đại học của Liên Hợp Quốc tại New York cho biết cô rất lấy làm lo ngại về việc BIT triển khai chương trình này.

“Đây là chương trình đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế một cách hung hăng và có chiến lược rạch ròi nhằm khuyến khích giới trẻ suy nghĩ, thiết kế và phát triển trí tuệ nhân tạo cho mục đích quân sự”, cô nói.

Mỹ cũng có các chương trình tương tự được vận hành bởi Cục Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao, song hầu như rất kín tiếng và chỉ làm việc với một số nhà khoa học nhất định, Pauwels cho biết.

Ngược lại, chương trình của BIT dường như tập trung nhiều hơn vào việc giáo dục các thế hệ sinh viên trẻ vào việc chế tạo vũ khí trí tuệ nhân tạo. “Đây là một con dao hai lưỡi”, cô nói. Các sinh viên có thể thiết kế các hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo tự học, thông minh và vận hành hoàn toàn tự động.

Những kiến thức này cũng có thể được sử dụng để kết hợp với các công nghệ hiện có như công nghệ sinh học, tính toán lượng tử, công nghệ nano, công nghệ robot.

“Hãy thử tưởng tượng một tập đoàn các robot siêu nhỏ có khả năng đầu độc con người thông qua thực phẩm và các chuỗi cung ứng xem. Rõ ràng Trung Quốc muốn thống trị về lĩnh vực an ninh và quân sự”, Pauwwels nhận định.

"Với các chương trình đại học như thế này, bạn có thể dẫn lối cho sinh viên nghĩ đến việc làm cách nào để khai thác và triển khai các vũ khí giết người tấn công vào những đối tượng cụ thể một cách cực kì chính xác”.

“Việc này cũng có thể hình thành nên một hình thái chiến tranh mới, dựa trên các cuộc tấn công được điều khiển chính xác qua mạng lưới liên kết, khi đó sẽ là ‘'Internet of Battle Things’', một loạt robot và cảm biến đóng vai trò quan trọng trong việc bố trí công, thủ và thu thập tình báo", Pauwwels nói.

Sau Internet of things (vạn vật kết nối), sự phát triển của AI có thể cho ra đời những đội quân nguy hiểm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: FT.

Khi được yêu cầu bình luận về chương trình của BIT, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết hiện Trung Quốc đã phát triển AI và các ứng dụng của nó vào kinh tế, phát triển xã hội và khoa học công nghệ.

Đồng thời, họ cũng ý thức được sự nguy hiểm chết người của các hệ thống vũ khí tự động và khuyến khích sự phát triển các biện pháp phòng ngừa trong cộng đồng quốc tế.

Rõ ràng trí tuệ nhân tạo sẽ là một kho vũ khí hùng mạnh của Trung Quốc, và nước này đặt mục tiêu sẽ trở thành quốc gia hàng đầu trong phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực này.

“Thực tế chiến lược quốc gia AI của Trung Quốc được xây dựng trên một học thuyết về hợp nhất dân sự - quân sự, nghĩa là một nguyên mẫu AI để sử dụng quân sự có thể được dùng để giám sát hoặc gây hại trong bối cảnh dân sự", Pauwwels nhận định.

Stuart Russell, Giám đốc Trung tâm Hệ thống Thông minh tại Đại học California, Berkeley, mô tả chương trình của BIT là "ý tưởng tồi tệ". "Máy móc không bao giờ được phép quyết định giết người. Nó sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hơn nữa, chúng làm tăng khả năng chiến tranh. Tôi hy vọng tất cả những sinh viên này sẽ bắt đầu khóa học của họ bằng cách xem bộ phim Slaughterbots", ông nói.

Slaugterbots là một bộ phim ngắn dài 7 phút chiếu tại hội nghị kiểm soát vũ khí của Liên hợp quốc tại Geneva năm ngoái, mô tả tương lai các máy bay không người lái rẻ tiền có thể tàn sát con người với sự trợ giúp của AI như là nhận diện gương mặt.

Chính phủ Trung Quốc đã đệ trình một văn bản cho LHQ về việc sử dụng vũ khí AI hồi tháng 4 năm nay.

“Việc sử dụng và phát triển các công nghệ cao mới nổi cũng như hệ thống vũ khí tự động sẽ làm tăng khả năng chiến tranh, chiến phí cho các nước sử dụng chúng. Tuy nhiên mặc cho nhiều tranh cãi về vấn đề này, không gì có thể cản trở sự phát triển của công nghệ AI”, trích văn bản.

Đại Việt
Theo Business Insider.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-dung-hoc-sinh-de-phat-trien-vu-khi-ai-post890997.html