Trung Quốc dùng tiền để thâu tóm ngành công nghệ Mỹ Latinh?

Khi mà Mỹ lùi dần vào hậu trường, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và khu vực Caribbean đã tăng chóng mặt trong khoảng 10 năm qua.

Ảnh: Bloomberg

Khi Alex Tabor đến Bắc Kinh vào khoảng năm 2014, nhà điều hành người Braxin này rất lo lắng về vấn đề giao tiếp. Tabor đương nhiên không thể nói được tiếng Quan thoại, thế nhưng ông vẫn hy vọng rằng, với sự hỗ trợ ngôn ngữ của phiên dịch, ông vẫn có thể thuyết phục doanh nghiệp Trung Quốc về tiềm năng lớn khi đầu tư vào các công ty công nghệ Mỹ Latinh.

Theo bài báo mới đây trên Nikkei, ông này đã gặp với những người đứng đầu Baidu, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, với hy vọng sẽ huy động được vốn cho công ty Peixe Urbano của ông.

Ông Tabor muốn hướng tới mở rộng công việc kinh doanh: trang của ông sẽ bán hàng trực tiếp cho người dùng chứ không chỉ đơn giản thông báo về các chương trình giảm giá. Baidu quan tâm và cuối cùng đồng ý đầu tư tiền để trở thành cổ đông lớn.

Vài năm sau đó, tại Chile, ông Felipe Henriquez đồng sáng lập ra Clandescuentos, một công ty khác cũng tìm kiếm nhà đầu tư, nhanh chóng Groupon đã rót tiền. Hoạt động của công ty nhanh chóng phát triển. Đến năm 2017, Henriquez và một nhóm nhà đầu tư mua lại công ty rồi đổi tên nó thành Groupon Latam.

Nếu như ban đầu, Tabor không tìm đến sự hỗ trợ của Baidu, hẳn câu chuyện thành công của họ đã kết thúc trước khi nó bắt đầu.

Khi mà Mỹ lùi dần vào hậu trường, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ Latinh và khu vực Caribbean đã tăng chóng mặt trong khoảng 10 năm qua, theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribean.

Từ năm 2005 đến năm 2016, Trung Quốc đầu tư ước tính khoảng 90 tỷ USD vào khu vực này. Khi mà nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực viễn thông, đầu tư của Trung Quốc vào nhiều ngành công nghệ mới đang tạo ra động lực quan trọng giúp cho ngành công nghệ của Mỹ Latinh phát triển mạnh.

Trong dài hạn, Trung Quốc muốn củng cố hợp tác với những nước vừa giàu tài nguyên – lĩnh vực cực kỳ quan trọng với Trung Quốc, đồng thời có tiềm năng tiêu dùng lớn. Và từ phía họ, những nước kể trên và các công ty công nghệ tại đây cần đến trình độ chuyên môn và tiền từ phía Trung Quốc.

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch 10 năm để tăng cường hoạt động thương mại với Mỹ Latinh lên 500 tỷ USD, đầu tư lên 250 tỷ USD. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này ở mức 266 tỷ USD.

Trong năm ngoái, công ty Xiaomi của Trung Quốc mở cửa hàng tại Colombia. Sản phẩm của Xiaomi trước đó đã xuất hiện tại Mexico, Brazil và Chile. Việc Xiaomi mở rộng vào khu vực Mỹ Latinh có được nhờ sự hợp tác và phân phối thông qua doanh nghiệp tại địa phương, ví như Movistar và Telcel. Công ty cung cấp hệ thống nền chia sẻ xe đạp Mobike đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tại thành phố Mexico và Santiago vào năm 2018. Gần đây, công ty Meituan Dianping đã mua lại công ty này.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/trung-quoc-dung-tien-de-thau-tom-nganh-cong-nghe-my-latinh-3489009.html