Trung Quốc ép gạo Việt ngậm trái đắng: Lại nhìn Campuchia

"Chỉ có chuyển sang kinh doanh cạnh tranh mới giảm lệ thuộc vào thị trường TQ, còn không vẫn cứ phải dựa vào các hợp đồng tập trung".

Chiêu bài ép giá không mới

PV:- Vừa qua, Trung Quốc đã ra Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, dưới sự giám sát của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ).

Thế nhưng, theo thống kê mới đây của Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Những ngày qua, Trung Quốc đã bắt đầu mua gạo trở lại nhưng lại theo con đường tiểu ngạch.

Là một chuyên gia về lúa gạo, ông bình luận như thế nào về động thái trên? Có phải Trung Quốc đang cố tình ép VN rơi vào thế khó trong việc xuất khẩu lúa gạo sang thị trường này hay không?.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Chiêu bài này thực tế nhiều nước đã dùng, không riêng gì Trung Quốc. Nó còn do quan hệ chính trị hai nước tốt hay xấu, do chủ trương của họ nhập khẩu từ thị trường nào.

Trước đây, những năm 2008, khi Trung Quốc trải qua thời kỳ bão lũ triền miên, không có lương thực, họ thiếu nhiều nên mở cửa ồ ạt nhập khẩu gạo thị trường VN một cách thoải mái, không dựng hàng rào kỹ thuật. Gần đây, Trung Quốc muốn lôi kéo Thái Lan nên ký rất nhiều hợp đồng nhập khẩu gạo từ nước này hàng triệu tấn, lôi kéo Campuchia nên ký kết hỗ trợ nhập khẩu, sản xuất gạo cho nước này với số lượng cao.

Trong trường hợp, để có gạo của Thái Lan, Campuchia thì họ phải áp dụng chiến thuật với gạo VN, khi đó, VN chỉ có thể cạnh tranh tốt hơn các nước khác với dòng gạo giá rẻ, thậm chí bán gạo sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn nhưng giá vẫn rẻ.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Nói chung, theo tôi, đây là chiêu bài nằm trong đường lối, chính sách phát triển quan hệ ngoại thương với từng nước, thay đổi theo quan hệ ngoại giao. Cho nên, chuyện này sớm muộn cũng xảy ra, khi họ cần chúng ta thì họ mở cửa ồ ạt, thậm chí không yêu cầu kỹ thuật, còn khi họ muốn ưu ái cho các thị trường mới thì quay sang làm khó.

Vì thế muốn giải quyết phải có đàm phán giữa 2 Bộ, một bên Bộ NN-PTNT, một bên là Bộ Thương mại của Trung Quốc, để xem nếu như đúng quy định của WTO, trên tinh thần ký kết với nhau thì không sao, còn làm sai thì cần phải có điều chỉnh, chúng ta có quyền được đòi hỏi. Còn VN cứ phụ thuộc 1 chiều, trông chờ vào sự hữu hảo của Trung Quốc là không được.

Mặt khác, VN từ xưa đến nay xuất khẩu gạo ồ ạt, gạo chất lượng trung bình trở xuống, lẫn tạp chất, không sạch, thuốc bảo vệ thực vật. Cho nên, gạo không đi được sang các thị trường khó tính, chủ yếu chúng ta vẫn đang chỉ lòng vòng ở các nước châu Á như Philippines, Malaysia và một số nước châu Phi khó khăn.

Còn riêng việc bán gạo qua đường tiểu ngạch xưa nay vẫn có, thậm chí rất nhiều, chính ngạch thì chỉ mới làm vài năm nay, mà đúng ra chúng ta phải làm theo đường chính ngạch mới đảm bảo chất lượng, loại nào ra loại đó.

Sự o bế này thực tế là do cơ quan quản lý nhà nước, khi đi đàm phán phải làm chặt chẽ, nhưng hầu hết là làm cho có.

PV:- Hiện nay, người dân đã đầu tư khá nhiều theo đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu gạo vào cho thị trường chính ngạch, thế nhưng, Trung Quốc chỉ thu mua ở con đường tiểu ngạch, nên có nhiều nguy cơ gạo Việt bị ép giá, đầu tư sản xuất chính ngạch mà lại chỉ bán giá tiểu ngạch, trái đắng này có phải lần đầu chúng ta gặp hay không?.

Theo ông nguyên nhân là vì đâu, có phải do lúa gạo VN đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay không?.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Hiện nay, các tỉnh nghèo vẫn đang mở đường tiểu ngạch, biên mậu nhiều hơn để hưởng lợi. Ngày xưa ở Lạng Sơn, con đường mở theo tiểu ngạch rất mạnh với tỉnh Quảng Tây, bây giờ quay lại sang tỉnh Vân Nam ở cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai.

Nhưng trái đắng này không phải lần đầu gặp phải, trước đó Trung Quốc đã từng gây khó dễ cho chúng ta rất nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau như bán phá giá, trợ cấp, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Nhưng chung quy, chính sách nước nào cũng vậy, không phải một lần là xong, lên xuống thay đổi, mở rồi khép. Từ xưa Malaysia cũng nhập khẩu gạo VN ào ào vì thiếu gạo, giờ không nhập nữa.

Vấn đề do cung cầu mỗi nước, chính sách đối ngoại của từng nước, họ hướng đến thị trường nào, quan hệ hữu hảo, hoặc lôi kéo nước nào thì phải mở rộng kinh tế với nước đó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/trung-quoc-ep-gao-viet-ngam-trai-dang-lai-nhin-campuchia-3321672/