Trung Quốc giải bài toán 'khoảng cách' bằng công nghệ

Trung Quốc, một đất nước đông dân, phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt bác sĩ, bệnh viện cùng với sự chênh lệch về hạ tầng cơ sở ở thành phố lớn - nhỏ, thành thị - vùng hẻo lánh… đang chứng kiến một sự thay đổi nhờ vào sự ứng dụng công nghệ một cách bài bản.

Việc ứng dụng công nghệ đã có được một cú hích lớn khi chính phủ Trung Quốc ban hành luật lệ hỗ trợ mạnh mẽ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên Internet. Trong nay mai, Trung Quốc có thể có cả Bệnh viện Internet - một cuộc cách mạng về thuốc cho bệnh nhân.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe y tế ở trong nước - một thị trường ước tính đạt giá trị đến 1.000 tỉ đô la vào năm 2020. Tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), xe cứu thương chạy trên đường phố đã nhận được hỗ trợ của hệ thống quản lý giao thông City Brain tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn.

Màn hình giới thiệu về Tencent Miying, dịch vụ hình ảnh y khoa tích hợp AI.

Thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc

Hệ thống City Brain là một phần của cuộc thử nghiệm được tập đoàn công nghệ Alibaba Group Holding Ltd tiến hành. Tập đoàn này hy vọng việc tận dụng hệ thống điện toán đám mây và dữ liệu của họ để giải quyết những vấn đề đang gây cản trở hệ thống chăm sóc y tế, như tình trạng giao thông đông đúc làm chậm quá trình vận chuyển bệnh nhân hay sự quá tải bệnh nhân và thiếu hụt bác sĩ. Họ hiện làm việc với một bệnh viện ở thành phố Thượng Hải để sử dụng dữ liệu vào việc dự đoán các nhu cầu của bệnh nhân và điều phối lực lượng bác sĩ.

Còn ở tỉnh Chiết Giang, Alibaba tập trung nghiên cứu phát triển công cụ chẩn đoán được hỗ trợ bởi AI để giúp phân tích các hình ảnh y tế, như ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI). “Bạn cần phải trải qua quá trình đào tạo chuyên môn để đọc những hình ảnh này, nhưng chúng tôi biết rằng hiện đang thiếu các chuyên gia làm việc đó”, ông Min Wanli, chuyên gia ở bộ phận đám mây của Alibaba, nhận định.

Những bước đi nói trên của Alibaba cũng phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn ở Trung Quốc, nơi các công ty công nghệ đẩy mạnh những nỗ lực thâm nhập vào thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước, ước tính đạt giá trị đến 1.000 tỉ đô la vào năm 2020. Chẳng hạn như công ty AI hàng đầu iFlytek và trường Đại học Thanh Hoa đã bắt tay chế tạo loại robot AI có tên là Xiaoyi, được trang bị khả năng nắm bắt, phân tích thông tin về bệnh nhân và đưa ra sự chuẩn đoán ban đầu. Đáng chú ý là Xiaoyi gần đây đã đậu kỳ thi cấp giấy phép y khoa quốc gia, qua đó trở thành robot đầu tiên trên thế giới đạt được thành tựu này.

Tuy nhiên, ông Liu Qingfeng, Chủ tịch iFlytek, cho biết Xiaoyi ra đời không nhằm thay thế bác sĩ mà thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc nhằm tăng cường tính hiệu quả về chăm sóc y tế. Cụ thể, robot này ban đầu được sử dụng để trợ giúp bác sĩ với hy vọng cải thiện sự hiệu quả điều trị trong tương lai. Khác với hệ thống Watson tích hợp AI của hãng công nghệ IBM (Mỹ) vốn chỉ tập trung điều trị ung thư và những bệnh nặng khác, iFlytek đang thăm dò cách sử dụng AI vào việc đào tạo bác sĩ đa khoa đang thiếu hụt trầm trọng ở các vùng nông thôn.

Trong khi đó, công ty WeDoctor đang cung cấp dịch vụ tư vấn, đặt lịch hẹn khám bệnh qua mạng. Công ty ra đời năm 2010 này được sự hậu thuẫn của công ty công nghệ Tencent và thu hút được khoản đầu tư 500 triệu đô la vào tháng 5 vừa qua. WeDoctor khoe có hơn 110 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, một mạng lưới 2.700 bệnh viện, 220.000 bác sĩ và hơn 15.000 nhà thuốc khắp Trung Quốc. Ấn tượng không kém, Ping An Good Doctor, một nền tảng tương tự được hỗ trợ bởi công ty bảo hiểm Ping An, đã gọi vốn được 1,1 tỉ đô la trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm nay.

Cú hích lớn từ Chính phủ

Robot Xiaoyi được sử dụng tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Các bệnh viện Trung Quốc cũng đang tăng cường sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách giữa các đô thị lớn và vùng hẻo lánh, nơi không có đủ bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh. Sử dụng hệ thống chia sẻ tài liệu và phát video trực tiếp trên Internet (livestream), các chuyên gia có thể hướng dẫn nhân viên y tế tại vùng xa xôi chẩn đoán bệnh nhân. Là một trong những mạng lưới bác sĩ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, DXY đang cung cấp tư vấn trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, như tiểu đường.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe Trung Quốc lâu nay phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt bác sĩ, đồng nghĩa với việc bệnh nhân thường tập trung vào các bệnh viện lớn ngay cả khi họ chỉ bị bệnh nhẹ. Công nghệ giờ đây có thể là câu trả lời cho bài toán khó này. Chẳng hạn như một số chuyên gia chỉ ra rằng điện thoại thông minh có thể giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh và rẻ hơn. Việc ứng dụng công nghệ nhận được cú hích lớn khi chính phủ Trung Quốc ban hành luật lệ hỗ trợ mạnh mẽ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên Internet. Bắc Kinh thậm chí có thể chấp thuận việc bán một số thuốc theo toa trên mạng, mang lại cơ hội lớn cho các công ty trong và ngoài nước.

Cuộc cách mạng về thuốc cho người bệnh

Ông Li Tiantian, người sáng lập và Chủ tịch DXY, cho biết Bộ Y tế Trung Quốc đang lên kế hoạch sớm phát hành chính sách về “Bệnh viện Internet”, từ đó mở ra cánh cửa đối với việc bán thuốc trên mạng. Chính sách này sẽ cho phép một số bệnh viện được tham vấn, kê đơn và bán thuốc cho bệnh nhân mãn tính trên Internet. Động thái này, nếu được chấp thuận trên toàn quốc, sẽ gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường thuốc đang chịu sự chi phối của các nhà phân phối thuộc sở hữu nhà nước và bệnh viện công, nơi hầu hết thuốc men được kê toa và bán.

Với những người bệnh và cả các bác sĩ tận tâm, điều này thực sự là một bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng về thuốc điều trị. Tập đoàn Merck KGaA (Đức) gần đây thông báo đã bắt tay với công ty Alibaba Health Information Technology trong thỏa thuận tập trung phát triển hệ thống giúp theo dõi thuốc để đối phó nạn giả mạo và bán thuốc trực tuyến.

Vẫn còn không ít sự trở ngại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang chờ các công ty công nghệ Trung Quốc ở phía trước. Chẳng hạn như họ phải tìm cách thuyết phục bệnh nhân chịu khám bệnh qua mạng hoặc chịu đóng thêm phí cho những công cụ công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện sự hiệu quả điều trị. Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn lo ngại về việc bán thuốc trực tuyến. Chưa hết, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng chỉ công nghệ thôi không thể giải quyết được mọi vấn đề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Li Tiantian không bác bỏ lời nhận định này nhưng vẫn nhấn mạnh đến lợi ích trước mắt của công nghệ là tạo ra các kênh mới cho việc chăm sóc sức khỏe thông thường.

Ông Wang Aihu, một bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Beijing Chaoyang, ghi nhận ngày càng có nhiều trung tâm y tế sử dụng hệ thống đặt lịch hẹn khám bệnh và thanh toán trực tuyến. Bản thân ông cũng tiến hành tham vấn bệnh nhân ở các vùng hẻo lánh thông qua Internet. Dù vậy, vị bác sĩ này nhận định hệ thống hình ảnh y tế tích hợp AI hoặc bác sĩ robot không thể thay thế con người. “Những công nghệ đầy hứa hẹn này sẽ giúp đẩy nhanh và cải thiện hoạt động chẩn đoán nhưng sẽ không thay thế bác sĩ giỏi bởi vẫn cần đến họ để kiểm chứng và chỉnh sửa kết quả chẩn đoán nếu có sai sót”, ông Wang giải thích.

Đông Nam Á - nơi ươm mầm công nghệ mới

Hệ thống quản lý giao thông City Brain ở Hàng Châu, Trung Quốc

Dù vẫn chưa trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, Đông Nam Á đang nổi lên như là nơi ươm mầm không ít công nghệ mới, như blockchain và AI. OnlinePajak, có trụ sở ở thủ đô Jakarta của Indonesia, hiện là một trong những công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh nhất nước này. OnlinePajak sử dụng công nghệ blockchain để giúp việc kê khai và đóng thuế trở nên dễ dàng hơn. Năm ngoái, OnlinePajak đã xử lý các giao dịch thuế trị giá đến 3 tỉ đô la và con số này được dự báo tăng lên 7 tỉ đô la trong năm 2018 này. Cũng tại Indonesia, công ty Dattabot đã phát triển một nền tảng chia sẻ dữ liệu dựa trên blockchain, gọi là HARA, để giúp nông dân có được những mùa vụ bội thu.

Các cuộc thử nghiệm có liên quan đến blockchain cũng diễn ra khắp Đông Nam Á. Hồi tháng 5 vừa qua, Philippines chào đón sự hiện diện của Blockchain Space, không gian làm việc dựa trên blockchain đầu tiên ở nước này và hiện tập trung vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Công ty còn có các dự án tương tự ở Indonesia và dự kiến mở rộng sang một số quốc gia khác tại khu vực vào cuối năm nay.

Cuộc hành trình thám hiểm công nghệ ở Đông Nam Á không chỉ chú trọng đến blockchain và AI. Tại Philippines, nơi 103 triệu dân sống tại 7.000 hòn đảo, những ứng dụng dựa trên công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc mà còn cứu sống con người. Chẳng hạn như công ty IoTs Philippines Inc đã chế tạo bộ cảm biến thông minh gắn trên người, dành cho những người sống xa bệnh viện. Thiết bị cho phép bác sĩ thu thập thông tin từ bệnh nhân theo thời gian thực và theo dõi sức khỏe của họ.

(Theo Reuters, South China Morning Post)

Minh Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275849/trung-quoc-giai-bai-toan-khoang-cach-bang-cong-nghe.html