Trung Quốc giữa cơn binh biến và sự suy vong của các danh gia vọng tộc

Con người ta luôn phải toan tính trước những quyết định quan trọng của cuộc đời. Trong cuộc bể dâu, kẻ khôn ngoan vẫn chỉ là con cờ của số phận.

Khi nói về văn học Trung Quốc nửa đầu thế kỉ XX người ta nhớ ngay đến những cái tên như: Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Từ Chí Ma, Lão Xá và xa hơn một chút là Trương Ái Linh, mà vô tình bỏ quên Lâm Ngữ Đường. Người ta thấy trong văn Lỗ Tấn hình bóng khốn khổ của những con người còn u mê trong đêm tối mờ mịt của thời cuộc.

Từ Chí Ma lại mang đến cho thơ ca Trung Quốc một diện mạo mới với những cách tân táo bạo, thấp thoáng sự lưu luyến đường thi. Trong những áng văn trầm buồn nhưng đầy cao ngạo của Trương Ái Linh là hình ảnh một Thượng Hải chỉ còn trong hoài niệm, với những con người luôn tiếc nuối chút danh vọng đã lùi vào quá vãng. Còn với Lâm Ngữ Đường, ông đã dùng ngòi bút của mình để miêu tả thật tinh tế sự giằng co giữa cái “cũ” và cái “mới” trong buổi giao thời của lịch sử.

Nói về văn nghiệp của Lâm Ngữ Đường, chúng ta không thể không nhắc tới cuốn tiểu thuyết Khói lửa kinh thành, được ra đời vào năm 1939. Tác phẩm này được ví như Chiến tranh và hòa bình "phiên bản Trung Quốc". Giữa cơn lửa binh, tình yêu mang đầy màu sắc của sự toan tính. Những mưu toan không chỉ vì lợi ích của một người, nó ảnh hưởng đến cả một gia tộc lớn.

Một đất nước, một gia tộc sau cơn ngủ mê

Tiểu thuyết Khói lửa kinh thành lấy bối cảnh thành Bắc Kinh từ những năm đầu thế kỉ XX cho đến khi chiến tranh Trung- Nhật nổ ra. Sau “đêm trường” dài hơn bốn thập kỉ ấy, xã hội Trung Hoa như bừng tỉnh. Người ta nhận ra rằng: có những thứ cũ kĩ cần phải phá bỏ để xây dựng những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Câu chuyện của cả một đất nước được kể từ cánh cửa của danh gia vọng tộc

Tác phẩm xoay quanh cuộc sống thời loạn của ba dòng họ Tăng- Diêu- Ngưu trong thời buổi loạn li. Tiên sinh Diêu Tư An vốn là tay chơi đồ cổ nổi tiếng. Đặc biệt, ông am tường về chữ “giáp cốt”, một dạng văn tự cổ, được khắc trên xương thú. Cô con gái lớn của Diêu gia là Diêu Mộc Lan tuy nhỏ tuổi, nhưng cũng có duyên với chữ giáp cốt giống cha.

Khi cả gia đình họ Diêu chạy nạn xuống phía nam, vô tình đã để Diêu Mộc Lan bị lạc. May mắn thay, cô bé được tiên sinh Tăng Văn Phác cứu giúp. Vì cùng mê đồ cổ, nên Tăng tiên sinh và Diêu tiên sinh có kết bằng hữu, qua lại đàm đạo với nhau mấy lần. Mang ơn cứu mạng, từ đó hai nhà Tăng, Diêu trở nên thân thiết. Cô bé Diêu Mộc Lan ngầm được nhắm cho cậu út nhà họ Tăng là Tân A.

Lớn lên, Tân A và Mộc Lan vẫn là thanh mai trúc mã. Thế nhưng, cô tiểu thư được mệnh danh là “tài nữ thành Bắc Kinh” lại rung động trước vẻ nho nhã, thư sinh và hơi ngờ nghệch của anh chàng trí thức thanh bần Khổng Lập Phu. Là cô gái có tư tưởng cấp tiến, không bị bó chân, nhưng liệu Diêu Mộc Lan có dám tự đứng lên quyết định hạnh phúc cả đời hay không?

Mặt khác, nhà họ Tăng ngày càng suy sụp. Cậu con trai cả Bân A thì bạc phước, tuổi trẻ đã ra đi vì bệnh tật. Cô con dâu lớn Man Ni lại quá hiền lành, ôn nhu, không thích tranh giành. Cậu con thứ Khâm A lại quá nhu nhược, luôn bị cô vợ đanh đá, chanh chua là Tố Vân ức hiếp. Mọi hy vọng đều đổ dồn vào Tân A và Mộc Lan sẽ là cô con dâu hoàn hảo để vực dậy một gia đình lớn đang suy sụp.

Lâm Ngữ Đường, triết gia thích kể chuyện đời

Khói lửa kinh thành không phải là câu chuyện về dòng chảy thịnh suy của những danh gia giàu có thành Bắc Kinh. Từ cửa lớn của hào môn, người ta có thể quan sát được những biến đổi kinh ngạc của Trung Quốc buổi giao thời. Đó là lúc người ta trầm tư nhìn lại những giá trị cũ. Nền quân chủ phong kiến hủ bại đã tồn tại hàng ngàn năm cuối cùng cũng không qua được cơn hấp hối.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường và vợ. Sau nhiều năm bôn ba ở Pháp rồi tới Singapore, ông quyết định về Đài Loan sống những năm tháng cuối đời. Lâm Ngữ Đường mất ngày 26/3/1976 tại Đài Loan.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường và vợ. Sau nhiều năm bôn ba ở Pháp rồi tới Singapore, ông quyết định về Đài Loan sống những năm tháng cuối đời. Lâm Ngữ Đường mất ngày 26/3/1976 tại Đài Loan.

Sự kính ngưỡng mang tính “vỏ bọc” đối với triều đình Mãn Thanh cuối cùng cũng đã được tháo bỏ hoàn toàn. Chi tiết, Diêu tiên sinh ngồi uống trà đàm đạo cùng Khổng Lập Phu về bút tích của vua Càn Long đã phần nào nói lên nhiều thâm ý của tác giả Lâm Ngữ Đường.

Đám thanh niên tân thời, mong muốn được sống trong một xã hội mới. Cái mới làm người ta háo hức, mê say, nhưng nó lại khiến đám người “muôn năm cũ” như Tăng tiên sinh, Diêu tiên sinh không khỏi choáng váng. Thời đại thay đổi, chuyện chính trị cũng khác đi từng ngày, điều đó không có gì là lạ. Đáng bàn hơn, những giá trị được xem như căn cốt của người Trung Quốc cũng không còn vẹn nguyên như xưa.

Vì tình yêu, con cái muốn tự do kết hôn theo ý mình. Cậu chủ cũng có thể đường hoàng cưới nha hoàn làm vợ. Tầng lớp thanh niên thời đại mới như Mộc Lan, Tân A, Mạc Sầu một lòng ủng hộ cái mới, nhưng họ không dám hết lòng đấu tranh vì nó. Tầng lớp trưởng bối đã chán nản với cái cũ, nhưng lại sợ hãi khi phải thay đổi. Loạn lạc, chiến tranh và thế “giằng co” trong lòng người khiến những ngày yên tĩnh nhất cũng có thể biến thành cơn bão lớn.

Lâm Ngữ Đường sinh ngày 10/10/1895 tại Chương Châu, Phúc Kiến. Cha của ông là mục sư Trưởng lão của của đạo Cơ Đốc giáo. Từ nhỏ, ông đã có niềm tin với Chúa Giê-su. Nhưng đến tuổi trưởng thành, công từ bỏ niềm tin truyền thống của gia đình để quay về với Khổng giáo và Phật giáo. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Đến tuổi ngũ tuần, Lâm Ngữ Đường lại quay về với Chúa. Chính con người tác giả cũng luôn ở trong thế giằng co trên con đường tìm kiếm đức tin.

Tác giả đã viết những trang văn mang đậm màu sắc Trung Quốc và góp công lớn trong việc đưa văn hóa Trung Hoa đến với thế giới. Điều kì lạ là, khi còn trẻ, Lâm Ngữ Đường là một trí thức Tây học "chính cống". Ông có bằng cử nhân của Đại học St John ở Thượng Hải. Sau đó, Lâm Ngữ Đường được học bổng bán phần cho chương trình học lên tiến sĩ của Đại học Harvard.

Một cảnh trong phim Kinh hoa yên vân.

Không may, do gặp vấn đề về sứ khỏe và tài chính, ông đành phải bỏ ngang việc học ở Mỹ. Khi đồng mark mất giá, Lâm Đường sang Đức và lấy bằng tiến sĩ tại đại học Jena. Ngoài viết văn và nghiên cứu về triết học, ông còn là một nhà sáng chế tài năng, góp công lớn vào việc cải cách máy đánh chữ tiếng Hoa. Những năm cuối đời, ông đã liên tục giành đề cử cho giải Nobel Văn chương, nhưng tiếc rằng không được chạm tay tới tấm huy chương danh giá.

Khói lửa kinh thành là tiểu thuyết nổi tiếng của Lâm Ngữ Đường. Nó còn được biết đến với tên gọi khác là Kinh hoa yên vân. Tác phẩm này đã nhiều lần được chuyển thể thành phim, trong đó phải kể đến bộ phim truyền hình của đạo diễn Trương Tư Lân thực hiện vào năm 2005. Diễn viên nổi tiếng Triệu Vy vào vai Diêu Mộc Lan.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-giua-con-binh-bien-va-su-suy-vong-cua-cac-danh-gia-vong-toc-post930048.html